Mất thương hiệu vì kinh doanh gian dối

Theo Vân Linh/thoibaokinhdoanh.vn

Trong khi người tiêu dùng chưa hết bức xúc vì đặt lòng tin nhầm chỗ với KhaiSilk, Asanzo... thì thương hiệu thời trang nổi tiếng SEVEN.am mới đây lại tiếp tục gây xôn xao dư luận với nghi án nhập hàng Trung Quốc rồi cắt mác sau đó dán nhãn mác của mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

SEVEN.am là một thương hiệu thời trang khá nổi tiếng và được quảng bá là “Made in Vietnam” từng được nhận nhiều giải thưởng danh giá như Top 20 doanh nghiệp (DN) toàn quốc có sản phẩm và dịch vụ được tin dùng; Bằng khen vinh danh thương hiệu cấp nhà nước - Top 15 DN Hội nhập và Phát triển toàn quốc.

Hiện nay, nhãn hiệu thời trang cao cấp này đã có hơn 20 showroom tại 18 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Lời ngụy biện của các ông chủ

Lên tiếng trước lùm xùm ảnh hưởng đến hình ảnh của thương hiệu do mình gây dựng, ông Nguyễn Vũ Hải Anh - Tổng giám đốc CTCP MHA, đã xác nhận công ty có nhập hàng Trung Quốc và bán tại các chuỗi cửa hàng SEVEN.am nhưng đều có hóa đơn.

Ông Hải Anh còn cho biết thêm: SEVEN. am cắt mác cổ những sản phẩm nhập này vì khách hàng kêu ngứa, những chỗ khác như mác sườn thì vẫn để nguyên mác, đồng thời khẳng định: “Những sản phẩm nào bên tôi không sản xuất thì không gắn mác SEVEN.am, khi bán hàng nhân viên cũng nói rõ đây là hàng Trung Quốc”.

Tuy nhiên, mới đây, Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 5 điểm kinh doanh thương hiệu thời trang SEVEN.am trên địa bàn Hà Nội phát hiện toàn bộ các sản phẩm bày bán tại những showroom này đều có tem của sản phẩm SEVEN.am, xuất xứ “Made in Vietnam”.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ các cửa hàng kinh doanh đều không xuất trình được đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa, đồng thời chưa công bố hợp quy cho sản phẩm để đưa ra lưu thông theo quy định. Số hàng hóa này đang tạm thời bị niêm phong.

Trước đó, năm 2017, thương hiệu lụa tiếng tăm của Việt Nam là Khaisilk bị khách hàng tố cắt mác sản phẩm lụa Trung Quốc, dán đè mác sản phẩm “Made in Vietnam”. Tại thời điểm xảy ra sự việc, chủ cơ sở 113 Hàng Gai đã lại đổ lỗi vì dịp 20/10, nhu cầu hàng hóa tăng đột biến nên đã tự ý mua sản phẩm lụa tơ tằm Trung Quốc về cắt bỏ nhãn gốc, sau đó khâu nhãn Khaisilk.

Lời giải thích có phần ngụy biện đã không làm hài lòng đại bộ phận người tiêu dùng. Trước áp lực dư luận, doanh nhân Hoàng Khải đã lên tiếng thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, với tỷ lệ hàng Trung Quốc/hàng Việt Nam là 50/50.

Hay như gần đây, công ty Asanzo Việt Nam cũng bị phanh phui việc nhập nhiều mặt hàng như lò vi sóng, nồi cơm điện nguyên chiếc và xé nhãn mác Trung Quốc để thành hàng Việt Nam chất lượng cao. Lực lượng thuế, hải quan kết luận sơ bộ công ty này có nhiều hành vi gian dối, trốn thuế, giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam.

Chuỗi cửa hàng SEVEN.am sau nghi án thay nhãn mác
Chuỗi cửa hàng SEVEN.am sau nghi án thay nhãn mác
 

Bất chấp vì lợi nhuận?

Thực tế, việc DN Việt Nam dán nhãn mác Việt Nam lên hàng Trung Quốc không chỉ gồm những sự việc như đã kể trên mà đã trở thành “vấn nạn” chung và đã có từ rất lâu. Như trường hợp của Khaisilk đã được bắt đầu từ những năm 1990. Như vậy, Khaisilk đã lừa dối khách hàng hơn 20 năm tính đến ngày sự việc bị phát hiện.

Sau khi vụ việc được báo chí đăng tải, lực lượng chức năng đã vào cuộc làm rõ, kết quả phát hiện hàng loạt vi phạm của Khaisilk như bán hàng giả, hàng kém chất lượng, có dấu hiệu vi phạm luật về quản lý thuế, hóa đơn...

Vụ bê bối này đã đánh sập hoàn toàn thương hiệu lụa Khaisilk nổi tiếng một thời. Bản thân ông chủ Khaisilk – doanh nhân Hoàng Khải, cũng “im hơi lặng tiếng” từ đó đến nay.

Tương tự, các siêu thị điện máy thời gian qua cũng đều “đóng thùng, dỡ khỏi kệ hàng, không cho bán ra thị trường sản phẩm của Asanzo để chờ kết quả điều tra chính thức của các cơ quan chức năng”.

Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP. Hà Nội Phạm Bá Dục cũng cho rằng việc SEVEN. am nhập hàng Trung Quốc nhưng gán mác “Made in Vietnam” là cố tình gian dối trong kinh doanh và hoàn toàn có thể bị khởi tố theo Luật Hình sự nếu đủ chứng cứ cấu thành tội làm giả số lượng lớn.

Sở dĩ hành động của chủ các thương hiệu lớn xuất phát từ việc hàng Việt Nam và thương hiệu Việt đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, khoản lợi nhuận mà DN có được từ việc nhập hàng giá rẻ và bán với giá thương hiệu của mình là không hề nhỏ.

Một chiếc khăn lụa cùng mẫu mã với Khaisilk được bày bán tại các chợ, đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ có giá chỉ dao động trong khoảng 150.000 – 180.000 đồng nhưng khi được gắn mác Khaisilk được bán tới 650.000 đồng đến cả triệu đồng, lợi nhuận thu về thấp nhất là gấp 4 lần.

Trong khi đó, mức phạt cho hành vi lừa dối người tiêu dùng này chỉ bị xử phạt 20-30 triệu đồng - một con số quá nhỏ và không đủ sức răn đe, đã khiến vi phạm trong lĩnh vực này dễ dàng tái phạm và mức độ ngày càng gia tăng.

Thế nhưng, “cái kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra” là điều mà các DN cần cân nhắc trước khi có ý định lợi dụng lòng tin của khách hàng để kiếm lời, bởi có thể đánh đổi cả một thương hiệu mất công gây dựng. Một khi đã đánh mất niềm tin của người tiêu dùng sẽ rất khó lấy lại.