Đồng euro không suy yếu
Bất chấp tâm lý thoái trào của xu thế hội nhập khu vực sau khi châu Âu phải đối mặt với một loạt khó khăn liên quan đến khủng hoảng tài chính và nhập cư, đồng euro vẫn không hề tỏ ra suy yếu.
Yếu tố bản sắc
Các cuộc khảo sát Eurobarometer - thước đo toàn diện nhất đối với dư luận Liên minh châu Âu (EU) - cho thấy tỷ lệ ủng hộ đứng ở mức 70% trong năm 2007, thời điểm trước khủng hoảng, và sau đó giảm xuống mức 62% vào năm 2013, ngay sau khi kịch bản Grexit (Hy Lạp rời khỏi Eurozone) đầu tiên xuất hiện, và đến cuối năm 2016 thì tăng trở lại mức kỷ lục 70%. Như vậy, hơn 2/3 số công dân Eurozone ủng hộ đồng tiền chung châu Âu và con số này đã không thay đổi nhiều trong những năm qua.
Các nhà phân tích cho rằng, người dân châu Âu không muốn từ bỏ đồng euro bởi họ nhận thấy những khía cạnh tích cực của đồng tiền chung với niềm tin rằng đồng euro đang mang lại sự ổn định cho nền kinh tế mỗi quốc gia và những vấn đề trong từng nền kinh tế mang bản chất nội bộ chứ không phải do đồng euro gây nên.
Trước khi đồng euro ra đời, hầu hết người dân có số lượng tài sản nhất định ở các nước miền Nam của Eurozone sẽ cất giữ khoảng 30% tiền bạc của họ dưới hình thức một đồng tiền mạnh (USD hoặc Deutsche Mark). Xu hướng tương tự đã quay trở lại vào năm 2011 và 2012 tại đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng đồng euro khi nguy cơ đổi tiền là khá cao.
Tuy nhiên, xu hướng đó đã giảm dần sau tháng 7/2012 khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khẳng định sẽ làm “bất cứ điều gì” để hỗ trợ đồng tiền chung. Điều này cho thấy giá trị của đồng euro vẫn tương đối ổn định bất chấp cuộc khủng hoảng tiền tệ vẫn đang tồn tại và tiếp diễn.
Ngoài những lợi ích về giao dịch và vận hành, người dân Eurozone cảm thấy tự hào khi sử dụng một đồng tiền chung. Họ ý thức được rằng đồng euro đại diện cho sự đoàn kết của nhiều quốc gia khác nhau, với ngôn ngữ và văn hóa khác nhau.
Theo các chuyên gia kinh tế, tiền tệ không chỉ là một hiện tượng kinh tế mà còn là một hiện tượng liên quan đến văn hóa và xã hội học và các đồng tiền có thể thúc đẩy một bản sắc chung theo nhiều cách khác nhau, cho dù chúng không được yêu thích.
Vì vậy, đứng từ quan điểm xã hội, tiền tệ vận hành như một ngôn ngữ. Nó đưa người dân xích lại gần nhau và tạo nên ý thức cộng đồng. Các công dân cùng chia sẻ một đồng tiền chung sẽ cùng cảm nhận được các “hiện tượng tiền tệ” như lãi suất, sự phá giá và nâng giá đồng tiền. Theo thời gian, điều này tạo nên một sự gắn kết.
Các số liệu của Eurobarometer cho thấy người dân Eurozone có một bản sắc châu Âu mạnh mẽ hơn so với những người dân bên ngoài khu vực này. Dĩ nhiên, đồng euro có lẽ không phải là lý do duy nhất. Nhưng điều thực sự là những người ủng hộ đồng euro cũng có xu hướng cảm thấy họ là người châu Âu nhiều hơn.
Cái giá của từ bỏ
Theo giới quan sát, bất kỳ quốc gia nào muốn rời khỏi Eurozone, từ bỏ đồng euro đều sẽ phải đối mặt với những tổn thất nặng nề về kinh tế, chính trị, pháp lý và kỹ thuật.
Một ví dụ điển hình là Italy - quốc gia có nợ công vào khoảng 130% GDP, lớn thứ ba thế giới xét về mặt số lượng, sau Mỹ và Nhật Bản - sẽ ngay lập tức bị hạ cấp tín nhiệm và mức lãi suất mà họ sẽ phải chi trả cho lần phát hành trái phiếu kế tiếp sẽ là rất cao. Khả năng Italy vỡ nợ khi đó sẽ gần như không thể tránh khỏi.
Trong trường hợp những nước khác như Bồ Đào Nhà hoặc Tây Ban Nha, việc quay lại các đồng tiền quốc gia và tiến hành các đợt phá giá tiền tệ sau đó sẽ ngay lập tức dẫn đến tình trạng lạm phát tăng dần, đặc biệt là nếu giá dầu tăng trở lại lên trên mức 100 USD/thùng.
Bên cạnh những khó khăn kinh tế, một quốc gia rời khỏi Eurozone cũng sẽ phải đối mặt với những hậu quả chính trị tiêu cực. Nếu sự ra đi này không được thương lượng với các đối tác còn lại trong Eurozone và mang lại những điều khoản có lợi, thì tác động về mặt ngoại giao sẽ gây nên những tổn thất nặng nề.
Quốc gia rời khỏi Eurozone sẽ bị coi như “kẻ phản bội dự án hội nhập của châu Âu” và có khả năng là nước này sẽ bị loại khỏi EU.
Xét về phương diện pháp lý, cách duy nhất để rời khỏi Eurozone là rời EU do trong các hiệp ước không hề có quy định nào đối với việc này. Những trở ngại pháp lý khác sẽ là việc phải tái định giá toàn bộ các hợp đồng trong nước theo đồng tiền mới, đồng thời thanh toán các hợp đồng quốc tế và những khoản vay, nợ được ký hoặc phát hành ở nước ngoài định giá bằng đồng euro theo đồng tiền mới yếu hơn nhiều.
Bên cạnh đó, những khó khăn về kỹ thuật cũng sẽ nảy sinh khi ban hành một loại tiền tệ mới bởi tiến trình này có thể phải mất nhiều năm. Quốc gia muốn rời khỏi Eurozon phải nhanh chóng đưa ra được các biện pháp kiểm soát vốn nhằm tránh tình trạng nguồn vốn bị chảy ra ngoài cũng như tránh sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng.
Trong cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro gần đây, các biện pháp kiểm soát vốn đã được ban hành ở Cộng hòa Síp và Hy Lạp một cách khá suôn sẻ, nhưng có được điều đó chỉ là nhờ hai nước này vẫn quyết định ở lại Eurozone.