Đồng Euro tiếp tục tuột dốc
(Tài chính) Giá trị đồng Euro tiếp tục giảm trong tháng 2 vừa qua, đánh dấu 3 tháng giảm liên tiếp, làm tăng thêm những lo ngại về khả năng giảm phát và tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Theo Eurostat, cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu cho biết: Giá tiêu dùng ở 19 quốc gia khu vực đồng tiền chung Euro trong tháng 2 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, giảm 0,6% trong tháng 1 và 0,2% trong tháng 12 vừa qua.
Tuy nhiên, một báo cáo từ cơ quan tại Luxembourg cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng Euro giảm 11,2% trong tháng 1, mức tốt nhất kể từ tháng 4/2012.
Có thể thấy, sự cải thiện của thị trường lao động khá khiêm tốn, hơn 18 triệu dân trong khu vực đồng Euro vẫn không có việc làm. Nhưng các dữ liệu đưa ra cho thấy thị trường tiêu dùng thời gian tới sẽ khả quan hơn.
Mặc dù những con số về lạm phát và thất nghiệp cho thấy chiều hướng tốt hơn so với dự kiến của các nhà kinh tế, nhưng phản ứng của thị trường thì không tốt như vậy. Đồng Euro được giao dịch ở mức thấp nhất kể từ năm 2003, đóng cửa phiên ngày hôm nay tại châu Âu giảm 0,1% còn 1,1187 USD, trong khi chỉ số Euro Stoxx 50 của cổ phiếu Blue chips khu vực đồng Euro đóng cửa ở mức giảm 0,2%.
Điều này có thể sẽ dẫn đến nguy cơ giảm phát, thời kỳ dài của sự sụt giảm hoàn toàn về giá cả và tiền lương, điều này có thể tạo ra một chu kỳ kinh tế suy thoái dai dẳng. Vì vậy, Ngân hàng Trung ương châu Âu cần nhanh chóng đưa ra những sáng kiến mới nhằm mục đích kìm hãm giảm phát trước khi tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
Chính sách mới của Ngân hàng Trung ương về nới lỏng định lượng dự kiến được đưa ra trong tháng này, bao gồm kế hoạch bắt đầu mua trái phiếu chính phủ với giá trị lên tới 60 tỷ Euro (tương đương khoảng 67 tỷ USD) bao gồm cả nợ chính phủ, trên thị trường mở.
Eurostat cho biết, giá năng lượng giảm 7,9% trong tháng 2 so với một năm trước đó. Sự suy thoái và tình trạng giảm mạnh của giá dầu trong nửa cuối năm 2014 đã làm tăng thêm áp lực giảm phát tại châu Âu.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng giá năng lượng thấp là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế. Jacques Cailloux, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại Nomura, London cho biết: "Việc dầu hạ giá giống như một đợt cắt giảm thuế". Ông cho biết tác động của điều này đối với thị trường chung khá tích cực, nhưng lợi ích có thể chỉ kéo dài một vài tháng.
Ông Cailloux cũng nói sự giảm nhẹ của tỷ lệ thất nghiệp nhờ việc giá năng lượng giảm đã giúp nâng tốc độ tăng trưởng của tổng sản phẩm nội địa khu vực đồng Euro lên 1,1%. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng khu vực này thời gian tới vẫn trong tình trạng “tăng trưởng chậm và lạm phát thấp”. Ông cũng hy vọng, tác động tích cực của giá dầu thấp sẽ lan tỏa rộng rãi hơn cho nền kinh tế, tạo ra bước nhảy vọt cho tăng trưởng bền vững.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, Janet L. Yellen tuần trước đã cảnh báo rằng: "Lạm phát vẫn thấp hơn so với mục tiêu của chúng tôi". Cả Anh, Trung Quốc và Nhật Bản đều phải đối mặt với áp lực giảm phát của riêng mình.
Giá giảm trong khu vực châu Âu cũng phản ánh sự chùng xuống của thị trường lao động. Áp lực lạm phát tại Đức khá lớn, nơi tỷ lệ thất nghiệp là 4,7%, so với ở Tây Ban Nha và Hy Lạp, nơi có khoảng ¼ lực lượng lao động đang thất nghiệp./.