Tỉnh Hậu Giang:
Đồng hành cùng doanh nghiệp để sản xuất an toàn
Phục hồi và phát triển kinh tế gắn với kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe người dân là trên hết. Chủ trương của tỉnh Hậu Giang là an toàn đến đâu mở ra đến đó, lãnh đạo tỉnh cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ, gỡ khó cho doanh nghiệp để sản xuất an toàn.
Thích ứng linh hoạt, an toàn
Công ty Cổ phần May Nhà Bè - Hậu Giang đã thực hiện phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong điều kiện “bình thường mới” trình UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt. Ngay sau khi phương án được phê duyệt, công ty đã đón người lao động quay trở lại làm việc sau khi thực hiện test kháng nguyên với vi-rút SARS-CoV-2 cho 100% người lao động.
Bà Trương Thủy Long Vân - Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty Cổ phần May Nhà Bè - Hậu Giang, cho biết: Toàn bộ người lao động nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K, khai báo y tế bằng quét mã QR, cam kết thực hiện 1 cung đường 2 điểm đến. Hàng tuần, công ty tổ chức test nhanh cho 20% người lao động đang làm việc tại công ty.
Mặc dù quy mô sản xuất của công ty phải giảm 40% do một số lao động của công ty thuộc tỉnh Kiên Giang và một số vùng cách ly của Hậu Giang không thể đến công ty làm việc, nhưng với sự hỗ trợ nhiệt tình từ Ban quản lý Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh và chính quyền địa phương, công ty đã bước vào quay lại khôi phục sản xuất.
Nhìn lại chặng đường ứng phó với đại dịch trong 3 tháng qua, với nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhiều doanh nghiệp Hậu Giang vẫn “trụ vững” để sản xuất, kinh doanh an toàn. Như ở Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang - Chi nhánh Nhà máy dược phẩm DHG tại Hậu Giang có khoảng 900 lao động. Trong đó, số công nhân thực hiện “3 tại chỗ” hơn 400 người.
Ông Đoàn Đình Duy Khương - Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, chia sẻ: Dược Hậu Giang bắt đầu làm việc “3 tại chỗ” khi có các quy định của tỉnh, từ ngày 19-7 cho đến nay. May mắn là làm rất trơn tru và thực hiện đúng các quy định, các mẫu test SARS-CoV-2 đều âm tính. Lãnh đạo tỉnh đã tạo điều kiện hết mình, giúp doanh nghiệp hoạt động không bị gián đoạn, đảm bảo đủ hàng cung cấp cho thị trường. Trong sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định về phòng, chống dịch.
Còn đối với công ty có số lượng lao động đông như Công ty TNHH Lạc Tỷ II thì việc sản xuất phải đảm bảo an toàn, an toàn mới sản xuất là yêu cầu trên hết. Ông Trần Công Minh Khoa - Phó Tổng giám đốc công ty, thông tin: Tính đến ngày 16/10, số lao động đã trở lại nhà máy làm việc hơn 1.400 lao động. Hiện trong quá trình nhận đơn hàng, khách hàng cũng yêu cầu phải thấy công nhân vào làm thì mới giao đơn hàng tiếp theo, tính từ giữa tháng 8 đến nay, khách hàng đang tạm hoãn việc đưa thêm đơn hàng mới xuống nhà máy.
Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, có 19 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, còn lại 31 doanh nghiệp hoạt động với số lượng lao động khoảng 5.700 người. Tuy nhiên, hiện nay tình hình có những chuyển biến tích cực, Chủ tịch UBND tỉnh có chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn doanh nghiệp lập các phương án để thu nhận lao động trở lại.
Tính từ tháng 8/2021 đến nay, Ban quản lý cùng huyện Châu Thành, Châu Thành A và Sở Giao thông Vận tải tỉnh, Sở Y tế đã thẩm định tất cả 84 phương án cho các doanh nghiệp, nâng số lao động hiện nay lên 10.500 người. So với lúc đầu dịch, hiện doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 10 doanh nghiệp với tổng số hiện nay là 41/50 doanh nghiệp. Theo dự kiến sẽ tiếp nhận thêm 5.500 lao động nữa. Như vậy, số lao động trong các khu công nghiệp tăng lên khoảng 16.000 lao động, trong tổng số 24.000 lao động, chiếm tỷ lệ khoảng 65%.
Ông Đoàn Thanh Vũ - Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, đề xuất: “Đối với phê duyệt phương án của các doanh nghiệp, trước đây phê duyệt kèm theo danh sách, gây khó khăn cho doanh nghiệp tiếp nhận lao động, Ban quản lý đề xuất phê duyệt trên số tổng, khi doanh nghiệp tiếp nhận lao động rồi thì tiến hành kiểm tra dịch tễ đầu vào theo quy định. Bởi khi duyệt theo danh sách, có những người nghỉ nếu muốn thay đổi phải lập lại phương án, gây phiền hà cho bộ phận Văn phòng UBND, Thường trực UBND, các sở, ngành và doanh nghiệp”.
“Sắp tới, cần khoảng 10.000 lao động để đáp ứng yêu cầu cho doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là Công ty TNHH Lạc Tỷ II và Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang. Tuy nhiên, nguồn lao động hiện nay rất khan hiếm do các tỉnh, thành cũng đang thu hút lao động. Do vậy, nếu không có giải pháp căn cơ, sắp tới các dây truyền sản xuất của một số doanh nghiệp sẽ bị chậm lại”, ông Đoàn Thanh Vũ đề xuất.
Đồng hành, hỗ trợ, gỡ khó cho doanh nghiệp
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, công tác phòng, chống dịch của tỉnh đã và đang thực hiện đúng hướng và đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh trong tỉnh vẫn còn cao. Tỉnh áp dụng biện pháp phòng, chống dịch ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng).
Đồng thời, chuyển trạng thái sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ. Tỉnh đã và đang tập trung tiêm vắc-xin cho người dân, trong đó có lực lượng công nhân tại các nhà máy, từng bước đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp vào trạng thái bình thường mới.
Để đảm bảo an toàn nhất thì đối với hoạt động của doanh nghiệp vẫn phải an toàn mới sản xuất, mà sản xuất là phải an toàn, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Tỉnh rất quan tâm, ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân, người lao động, bởi chỉ có tiêm vắc-xin thì công nhân mới trở lại làm việc, doanh nghiệp mới đi vào sản xuất được. Chứ không có tiêm vắc-xin đầy đủ thì thật sự “5K” chúng tôi cũng không dám đảm bảo.
Ông Đồng Văn Thanh khẳng định: “Tỉnh luôn trên tinh thần rất ủng hộ doanh nghiệp, những vấn đề nào khó khăn đề nghị doanh nghiệp trao đổi thẳng với các sở, ngành chuyên môn và Thường trực UBND tỉnh. Chúng tôi sẵn sàng nghe các doanh nghiệp nói và những vấn đề gì doanh nghiệp khó khăn, chúng tôi sẽ chỉ đạo các sở, ngành và địa phương hỗ trợ doanh nghiệp”.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị như: Liên đoàn Lao động, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội… để triển khai thực hiện các chính sách của Chính phủ, tỉnh kịp thời, giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, người lao động an tâm làm việc, ổn định cuộc sống.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, khẳng định: Dù áp dụng theo cấp độ nào thì cả hệ thống chính trị và Nhân dân, cùng doanh nghiệp phải luôn có sự cộng đồng trách nhiệm, chung tay thực hiện tốt các yêu cầu phòng dịch, vì phòng dịch là mục tiêu lâu dài, nhất là đối với những địa phương còn nguy cơ cao, còn ổ dịch COVID-19 trên địa bàn.