Dòng kiều hối chảy mạnh

Theo Đầu tư

Nếu như cùng kỳ năm trước, doanh số kiều hối chuyển về Việt Nam thông qua các công ty kiều hối trực thuộc cũng như hệ thống ngân hàng có dấu hiệu sụt giảm, thì kết quả nửa đầu năm nay lại tương đối khả quan.

 

Nhiều công ty đã hoàn thành 50% kế hoạch và khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm là có thể, vì kiều hối sẽ tăng mạnh dịp cuối năm.

Ông Trịnh Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á cho biết, doanh số chi trả kiều hối của Công ty trong 7 tháng đầu năm nay là 600 triệu USD, đạt 55% kế hoạch cả năm. Theo ông Nam, tình hình kiều hối trong 6 tháng đầu năm 2010 đã có những chuyển biến rõ rệt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới dần hồi phục sau khủng hoảng.

Với mục tiêu doanh số chi trả năm 2010 đạt 1,1 tỷ USD, ông Nam cho biết, trong các tháng còn lại, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh chất lượng chi trả, tăng cường chăm sóc khách hàng và kết hợp xây dựng chương trình kích hoạt với đối tác để đón đầu lượng kiều hối chảy mạnh về Việt Nam vào dịp cuối năm.

Trong khi đó, doanh số chi trả kiều hối qua Sacombank đạt hơn 600 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2009. Dự kiến, doanh số kiều hối cả năm 2010 qua ngân hàng này sẽ đạt 1,2 tỷ USD.

Sacombank cho biết, để đạt được kết quả doanh số chi trả kiều hối 6 tháng đầu năm,  Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp thu hút nguồn ngoại tệ bằng cách đa dạng hoá các kênh chi trả và nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhận và người chuyển tiền. Theo đó, ngoài việc duy trì và phát triển quan hệ hợp tác tại các thị trường truyền thống như: Mỹ, Canada, Australia…, Sacombank còn mở rộng hợp tác tại các thị trường mới - nơi có nhiều người Việt đang sinh sống và lao động, như các nước Đông Âu, châu Á.

Dòng kiều hối chuyển về Việt Nam trong nửa đầu năm nay ước đạt 3,6 - 3,7 tỷ USD, tăng hơn 20% so cùng kỳ 2009. Có thể nói, với doanh số chi trả kiều hối như vậy, các ngân hàng đã phần nào yên tâm với việc hoàn thành chỉ tiêu đưa ra cả năm nay. Đồng thời, sự ổn định của thị trường ngoại tệ trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho các nhà băng thu hút nguồn kiều hối ở lại, thay vì người nhận kiều hối vội rút ra đem bán ở thị trường tự do để hưởng chênh lệch tỷ giá cao hơn bán cho ngân hàng như trước.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, lượng kiều hối chuyển về địa bàn 7 tháng đầu năm 2010 ước đạt 2,24 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng ngoại tệ mà các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM mua được từ kiều hối chiếm 14 - 15% doanh số kiều hối mà các tổ chức tín dụng chi trả trong 6 tháng đầu năm 2010, do tỷ giá trên thị trường tự do được kéo sát với tỷ giá niêm yết ở ngân hàng thương mại. Trong khi đó, năm ngoái, các ngân hàng rất khó mua được kiều hối của khách hàng, vì chênh lệch tỷ giá tự do và niêm yết ở ngân hàng khá lớn.

Theo dự báo của các nhà lãnh đạo ngân hàng, nguồn kiều hối có thể sẽ chững lại trong quý III, trong đó không loại trừ ảnh hưởng từ khủng hoảng nợ Hy Lạp lan truyền ra khu vực châu Âu. Tuy nhiên, nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam chủ yếu từ Mỹ, Canada và một số thị trường có số lượng lao động xuất khẩu nhiều như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… - những thị trường đang dần được cải hiện. Vì thế, khả năng phục hồi sẽ mạnh hơn trong quý IV và đó cũng chính là chu kỳ kiều hối chuyển về Việt Nam nhiều nhất trong năm.