Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025:
Động lực giảm nghèo phải từ chính người dân
Cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, có đại biểu đề nghị, trong Chương trình nên thực hiện phân cấp cho địa phương. Động lực giảm nghèo phải từ chính người dân và chính quyền địa phương, giảm dần sự bao cấp từ phía Nhà nước; tập trung vào đào tạo nghề, xây dựng hệ thống tiếp cận dịch vụ cơ bản, tạo việc làm.
Xóa bỏ nghèo đói ở mọi nơi, mọi chiều
Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ về giảm nghèo và an sinh xã hội đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đã khẳng định như vậy tại phiên họp thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình) do Hội đồng Dân tộc tổ chức.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, Chương trình sẽ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, phấn đấu đến năm 2025, giảm 1/2 tổng số hộ nghèo so với đầu kỳ, giảm 1,5 triệu người nghèo/năm theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; riêng các huyện nghèo duy trì mức giảm 4 - 5%/năm; 50% số huyện nghèo, 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Tạo môi trường cho người nghèo, người yếu thế, người dân ở khu vực khó khăn nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và việc làm, nguồn lực xã hội phù hợp với đặc điểm cụ thể của địa phương trên cơ sở đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho cơ sở, cộng đồng, tăng cường sự tham gia của đối tượng thụ hưởng Chương trình.
Việc triển khai thực hiện chương trình dự kiến sẽ mang lại hiệu quả đồng bộ, đẩy mạnh và phát triển đào tạo nghề nghiệp cả về quy mô, chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và tỷ lệ lao động thiếu việc làm ở nông thôn. Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hỗ trợ đối tượng yếu thế.
Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo Tô Đức cho biết thêm, điểm mới của Chương trình là tiến tới xóa bỏ nghèo đói cho mọi người ở mọi nơi, mọi chiều, phải làm sao để giảm nghèo cho đối tượng nghèo nhất, khó khăn nhất, giảm nghèo ở vùng lõi nghèo.
Có nên tách an sinh xã hội ra khỏi Chương trình?
Chương trình có tính phổ quát, được thực hiện trên phạm vi cả nước, khuyến khích các địa phương vận dụng chính sách, cơ chế giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực địa phương.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nêu rõ, trong chương trình giảm nghèo có đề xuất an sinh xã hội, đây chính là điểm sáng thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội, mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, với nguồn vốn còn hạn hẹp hiện nay, liệu có thực hiện được các mục tiêu Chương trình đề ra hay không? Trong khi đó, nội dung Chương trình mới chú trọng thể hiện được vấn đề giảm nghèo, còn an sinh xã hội chưa rõ nét.
Bên cạnh đó, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch cũng lưu ý về đối tượng, phạm vi của giảm nghèo, bởi lẽ người nghèo có hai đối tượng là nghèo và không thể thoát nghèo. Đối với những đối tượng không có sức lao động, người tàn tật, khuyết tật, bà Lịch cho rằng, nên phân định rõ và chỉ thực hiện phương án hỗ trợ.
Với các trường hợp giảm nghèo không ổn định, không bền vững, năm nay đi lao động, có việc làm thì thu nhập ổn định, nhưng năm sau lại rơi vào tình trạng tái nghèo vì mất việc. Vậy đối chiếu với mục tiêu đặt ra, các dự án thành phần sẽ có giải pháp gì để thoát nghèo bền vững?
Giải trình các vấn đề đặt ra, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo Tô Đức cho biết, an sinh xã hội được đưa vào hợp phần của Chương trình trên cơ sở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, lựa chọn những mục tiêu chính, hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp có việc làm tốt, thu nhập tốt, vượt qua mức nghèo, lối sống tối thiểu một các bền vững.
Trong Chương trình lần này, ông Tô Đức cũng nhấn mạnh, “những huyện là lõi nghèo, tập trung nhiều xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được coi là trọng tâm, trọng điểm”. Chính phủ sẽ chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho huyện nghèo, thực hiện phát triển năng lực, khả năng tiếp cận dịch vụ, nâng cao thu nhập cho người nghèo, người dân tộc thiểu số thông qua đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất; xây dựng nghị định quy định về chính sách đặc thù với hộ nghèo dân tộc thiểu số, đối với địa bàn và cán bộ làm việc trên địa bàn các xã, huyện nghèo.
Với những đối tượng không có khả năng thoát nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ báo cáo Ban Bí thư Trung ương, nghiên cứu chính sách đặc thù với những hộ nghèo không thể thoát nghèo, nên không đưa đối tượng này vào chương trình.
Tuy vậy, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cân nhắc có nên tách an sinh xã hội ra khỏi Chương trình hay không? Bởi lẽ an sinh xã hội là chính sách mang tính dài hơi, nếu đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong thời hạn 5 năm thì có thực sự hợp lý hay chỉ nên đưa một số hoạt động mang tính thúc đẩy trong nội dung của Chương trình?
Nhất trí việc tách hoàn toàn đối tượng bảo trợ xã hội ra khỏi đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo sẽ giúp bảo đảm thành tựu của giảm nghèo, ông Thành cũng chỉ rõ, đối với những người không có khả năng lao động, người tàn tật, khuyết tật thì nên có thêm chính sách khuyến khích, hỗ trợ họ tham gia vào nền kinh tế nếu có đủ khả năng.
"Động lực giảm nghèo phải từ chính người dân và chính quyền địa phương, giảm dần sự bao cấp từ phía Nhà nước". Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, Chương trình cần thực hiện phân cấp mạnh cho địa phương. Chương trình giảm nghèo tập trung vào đào tạo nghề, xây dựng hệ thống tiếp cận dịch vụ cơ bản, tạo việc làm, tiếp cận lao động. Đưa ra khung chính sách để địa phương căn cứ cơ sở thực tiễn thực hiện; không áp đặt các tỉnh như nhau mà để mỗi địa phương trên cơ sở xem xét nguồn lực, khả năng thực hiện của mình có phương án phù hợp.