Động lực phát triển kinh tế tư nhân
Tổng số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động trong tám tháng năm 2017 lên hơn 104,5 nghìn DN, tức gần bằng mức DN của cả năm 2016 - năm kỷ lục cao nhất về số DN đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động ở Việt Nam. Đây là động thái rõ nhất cho thấy bước phát triển của đội ngũ DN theo tinh thần của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN).
Tinh thần bao trùm và lan tỏa mạnh mẽ từ Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN là yêu cầu tạo đột phá trong nhận thức và cơ sở pháp lý để KTTN ngày càng trở thành nguồn động lực phát triển kinh tế chính của đất nước. Đặc biệt, KTTN, cùng với kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng bình đẳng và là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức cạnh tranh quốc tế.
Nền kinh tế cả nước ngày càng định hình rõ rệt hơn với cơ cấu kinh tế hai tầng, trong đó tầng trên là các tập đoàn kinh tế đa sở hữu, các “công ty mẹ-con” quy mô và tiềm lực tài chính-công nghệ lớn, đóng vai trò định hướng tái cơ cấu và hiện đại hóa nền kinh tế và liên kết chặt chẽ với tầng dưới là mạng lưới các DN tư nhân vừa và nhỏ, năng động và linh hoạt, ngày càng được chuẩn hóa về công nghệ và cải thiện về tổ chức quản trị, quyền tự do kinh doanh, năng lực tiếp cận các cơ hội kinh doanh và nguồn lực xã hội, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường…
Đặc biệt, xu hướng phát triển KTTN ngày càng đa dạng về tổ chức DN và hình thức sở hữu, nhiều mô hình mới về sự hợp tác, liên kết; tham gia ngày càng nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh doanh mới và không ngừng mở rộng phạm vi, gia tăng quy mô và tăng cường liên kết chuỗi trong và ngoài nước; gia tăng xu hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa chuyên ngành sâu, vừa đa ngành, tổng hợp. Các loại hình trang trại và liên hiệp trang trại với quy mô lớn, kết hợp công - nông - lâm nghiệp bền vững sẽ trở thành mô hình có hiệu quả ở ngoại ô và các tỉnh nông nghiệp.
Bên cạnh đó, trong thực tiễn hoạt động cũng sẽ gia tăng các hiện tượng phá sản, giải thể, chia tách và sáp nhập, mua - bán, chuyển nhượng các DN; hiện tượng độc quyền KTTN cũng đậm hơn dưới nhiều hình thức và có khả năng chi phối ngày càng rõ nét đến đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương và đất nước. Các tranh chấp kinh tế, thương mại, lao động và các dạng tội phạm khác trực tiếp phát sinh từ quá trình sản xuất, kinh doanh cũng sẽ gia tăng với mức độ phức tạp và gây hậu quả nặng nề hơn...
Bối cảnh mới và tinh thần mới của Nghị quyết đòi hỏi các cấp quản lý phát huy tinh thần kiến tạo, giải phóng sức sáng tạo và phát huy toàn diện vai trò của khu vực KTTN; tập trung giúp DN mở rộng cơ hội đầu tư và tăng năng lực phản ứng nhanh nhạy, hiệu quả hơn với các tín hiệu thị trường, chủ động đổi mới, thích ứng và tập trung vào sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Đặc biệt, quản lý Nhà nước cần tuân thủ các quy luật và quy trình KTTT, các nguyên tắc, thông lệ quốc tế và các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm sự tự do hóa ngày càng cao, đầy đủ và rộng rãi các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cho phép khu vực KTTN tham gia; thúc đẩy tính tự chủ, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới đối với khu vực KTTN, chuyển từ mục đích “quản chặt” sang “hỗ trợ” DN bằng định hướng chính sách, thông tin thị trường và những khuyến khích tài chính, cũng như tinh thần theo ngành, sản phẩm, địa bàn; thống nhất, đơn giản hóa và hiện đại hóa các quy trình, thủ tục, công nghệ và yêu cầu quản lý Nhà nước đối với khu vực KTTN; phát triển đồng bộ các thị trường và tăng cường tính minh bạch và kiểm soát độc quyền kinh doanh, công tác phòng, chống gian lận thương mại, thao túng, chi phối thị trường. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, kết nối các hệ thống giao thông liên kết vùng và địa phương, kết nối hệ thống giao thông trong nước với quốc tế; phát triển hệ thống an sinh xã hội, hệ thống phòng ngừa rủi ro, cảnh báo sớm các nguy cơ và giải quyết kịp thời các tác động lớn KT-XH, kiểm soát và chống “lợi ích nhóm” dưới mọi hình thức…
Đồng thời, cần coi trọng phát triển các dịch vụ tư vấn, thông tin và dự báo thị trường, hỗ trợ các DN đầu tư ra nước ngoài, gắn kết và hợp tác khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm, bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững.
Hơn nữa, Nhà nước và các hiệp hội DN cần coi trọng giáo dục lòng yêu nước, xây dựng văn hóa DN, văn hóa kinh doanh và văn hóa quản lý, tinh thần tự trọng, tự tôn và tự hào dân tộc cho các doanh nhân và người lao động trong KTTN; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và các hiệp hội, nghề nghiệp đối với khu vực KTTN, cũng như đối với từng DN; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, kiểm soát độc quyền và hạn chế các hiện tượng tiêu cực trốn lậu thuế, làm hàng giả trong sản xuất, kinh doanh; khen thưởng kịp thời và tôn vinh thích đáng các đơn vị và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong quản lý và phát triển KTTN.
Quá trình xóa bỏ những thể chế kìm hãm DN, điều chỉnh những thể chế làm lệch lạc, lãng phí các nguồn lực DN, lấp đầy những “khoảng trống thể chế” cần thiết đã, đang và sẽ cho phép từng bước định hình một tầm nhìn mới, một thực tiễn mới, kiến tạo những động lực và mở ra xu hướng triển vọng phát triển mới, với nhiều thay đổi về chất đối với vai trò, vị thế và cách thức tổ chức mới, phát triển lành mạnh, hiệu quả của khu vực KTTN trong toàn bộ đời sống KT-XH Việt Nam thời kỳ chuyển mình hội nhập cùng thế giới.