Động lực tăng trưởng từ khối doanh nghiệp FDI
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2017, khu vực kinh tế ngoài nhà nước vốn được xem là động lực cho tăng trưởng kinh tế nhưng nhìn chung vẫn còn yếu.
Trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân hầu như không thay đổi cơ cấu đóng góp nên những năm qua, động cơ tăng trưởng vẫn thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh đánh giá, khu vực doanh nghiệp FDI đang thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế khi đóng góp đến 1/5 GDP, 3/4 cho xuất khẩu và 1/4 vốn đầu tư toàn xã hội.
Nếu năm 2006, tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI vào GDP chỉ ở mức 17% thì đến năm 2016 là 20,7%. Thêm nữa, tỷ trọng đóng góp hàng hóa xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đang tăng dần. Năm 2006, tỷ trọng xuất khẩu của khối này chiếm 57,9% thì đến năm 2016 là 71,5%.
Theo Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 193,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ 2016, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,1 tỷ USD, tăng 16,8%, khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 140,7 tỷ USD, tăng 22,8%.
11 tháng, cả nước xuất siêu 2,8 tỷ USD do khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,4 tỷ USD, khu vực FDI xuất siêu 26,2 tỷ USD. Chỉ tính riêng Tập đoàn Điện tử Samsung đã chiếm đến 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, hiện nay, với việc nền kinh tế hội nhập sâu rộng, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang thay đổi nhanh. Cách nay một năm, đầu tư nước ngoài vẫn còn gắn với thông điệp chuyển giao công nghệ thì nay nhiều nhà đầu tư chọn Việt Nam là cứ địa sản xuất.
Sự phụ thuộc quá lớn vào khối doanh nghiệp FDI khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại, những biến động gần đây trên thế giới liên quan đến vấn đề Triều Tiên, nợ công EU, Brexit vẫn chưa giải quyết triệt để, hay việc Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel có tác động đáng kể đến kinh tế thế giới năm 2018, trong đó có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trái ngược với sự lớn mạnh của khu vực doanh nghiệp FDI, tỷ trọng đóng góp vào GDP của khối doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước của Việt Nam có chiều hướng giảm, từ 37,4% năm 2006 xuống còn 32% trong năm 2016. Đáng chú ý, hiện nay ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đóng góp chủ yếu vẫn thuộc về hộ gia đình và cá thể, trong khi khối doanh nghiệp tư nhân với hơn 650.000 doanh nghiệp, tỷ trọng đóng góp vào GDP chưa tới 10%.
Theo TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản về mặt thủ tục (hơn 5.700 giấy phép, thủ tục kinh doanh do các bộ, ngành quản lý), gánh nặng chi phí cũng khá lớn.
Điển hình, chi phí vận tải, logistics ở Việt Nam cao gần gấp đôi so với bình quân thế giới, theo đó, chi phí logistics của Việt Nam chiếm 20,8% GDP, trong khi ở Thái Lan chỉ 10,7% và bình quân của châu Á - Thái Bình Dương là 13,5%. Chi phí lãi vay cho doanh nghiệp cũng cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Do đó, năm 2018, một trong những hành động quyết liệt của Chính phủ kiến tạo là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo cơ chế chính sách thông thoáng, tháo gỡ khó khăn, cắt giảm thủ tục để doanh nghiệp trong nước phát huy vai trò động lực. Cùng với đó, doanh nghiệp tư nhân cũng phải đánh giá lại hoạt động của chính doanh nghiệp mình để khắc phục hạn chế, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.