Đồng Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế
Quyết định đưa đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc vào rổ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), theo giới phân tích, là một sự công nhận của định chế tài chính này với nỗ lực cải cách tài chính từ Bắc Kinh.
Điều này không chỉ tạo ra những thay đổi bước ngoặt trên thị trường tiền tệ quốc tế, mà còn giúp củng cố đáng kể vị thế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Việc IMF bỏ phiếu thông qua việc đưa đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ trong quyền rút vốn đặc biệt (SDR), bên cạnh đồng USD, euro, bảng Anh và yên Nhật là kết quả sau nhiều năm vận động hành lang của Bắc Kinh để tìm kiếm sự công nhận này.
Giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell, đồng thời là cựu quan chức IMF tại Trung Quốc, Eswar Prasad nhận định: “Đồng NDT được gia nhập Câu lạc bộ Dự trữ tiền tệ hàng đầu thế giới là một bước đi lớn đối với Trung Quốc và có ý nghĩa đối với hệ thống tiền tệ thế giới”.
Trên cơ sở đó, NDT sẽ trở thành đồng tiền lớn thứ ba trong rổ tiền tệ SDR, vượt qua cả đồng yên Nhật và bảng Anh, khi quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/10/2016, đánh dấu sự thay đổi quan trọng của rổ tiền tệ này, kể từ khi euro thay thế mark Đức và franc Pháp năm 1999. Bản thân Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cũng gọi đó là “cột mốc” trong hành trình cải cách kinh tế của Trung Quốc và sự hội nhập vào hệ thống tài chính toàn cầu.
Với riêng Trung Quốc, động thái này là sự công nhận với những nỗ lực của Bắc Kinh trong suốt những năm qua nhằm tự do hóa các thị trường tài chính và mở cửa (một phần) thị trường vốn của Trung Quốc. Trên phương diện này, quyết định của IMF có thể củng cố mức độ tín nhiệm của các nhà theo đuổi cải cách kinh tế của Bắc Kinh so với lực lượng bảo thủ trong chính quyền Tập Cận Bình.
“Đây là khoảnh khắc lịch sử đối với một nền kinh tế đang nổi trên phương diện tài chính quốc tế, nhất là khi thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ bằng ¼ so với các nền kinh tế khác trong rổ tiền tệ”, Giáo sư Prasad nói thêm.
Tuy nhiên, với hệ thống tài chính thế giới, sự tham gia của Trung Quốc vào “câu lạc bộ” SDR cũng cho thấy một thách thức đáng kể. NDT là đồng tiền đầu tiên của thị trường đang nổi được gia nhập, trong khi các thành viên khác của SDR hiện nay đều là các nền kinh tế phát triển với đồng tiền có khả năng chuyển đổi hoàn toàn và mở cửa các thị trường vốn theo quy định.
Trung Quốc hiện còn khác biệt trên những khía cạnh này: một nền kinh tế đang phát triển còn hạn chế về khả năng chuyển đổi tiền tệ, sẵn sàng bảo vệ các thị trường trong nước trước nguồn vốn và ảnh hưởng từ nước ngoài. Do những khác biệt như vậy, đã có những quan điểm cáo buộc IMF “bẻ cong” quy định của mình để đưa NDT vào rổ tiền tệ.
Các quan chức IMF phủ nhận bất kỳ sự ưu ái nào dành cho Trung Quốc và khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế nước này chính là yếu tố khiến họ cân nhắc để đưa đồng NDT vào rổ tiền tệ. Đáng chú ý, quyết định này nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, cổ đông lớn nhất của IMF và các nền kinh tế chủ chốt khác tại châu Âu như Pháp, Anh và Đức.
Các quan chức IMF cũng cam kết rằng, đánh giá về đồng NDT hoàn toàn dựa trên yếu tố kỹ thuật và Trung Quốc đã đáp ứng, trong đó bất kỳ quốc gia nào có đồng nội tệ được đưa vào SDR phải có vai trò chủ chốt trong thương mại toàn cầu.
Bên cạnh đó, đồng NDT được các cổ đông đánh giá là được sử dụng tự do trong các giao dịch. Quá trình cải cách của Trung Quốc đã được thực hiện từ lâu, thông qua việc tự do hóa ấn định lãi suất và trao cho thị trường vai trò lớn hơn trong biên độ giao dịch tiền tệ trong ngày.
Trung Quốc cũng mở cửa các thị trường nội địa cho một số ngân hàng trung ương nước ngoài muốn tiếp cận nguồn dự trữ tài sản được định giá bằng đồng NDT.
Rổ tiền tệ mới, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2016, sẽ chứng kiến đồng USD tiếp tục là đồng tiền lớn nhất với 41,73%, theo sau là euro (30,93%), đồng NDT (10,92%), yên Nhật (8,33%) và bảng Anh (8,09%).