Trung Quốc và những rủi ro khi quốc tế hóa đồng nhân dân tệ
Tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã được đẩy mạnh đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2009 trở lại đây và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích thì Trung Quốc cũng phải đối mặt trực tiếp với nhiều rủi ro sau khi mở cửa dần thị trường tài chính và đưa đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền quốc tế.
Một đồng tiền được coi là quốc tế hóa khi nó được sử dụng rộng rãi bởi chính phủ và khu vực tư nhân (cả người định cư và không định cư) ở cả trong và ngoài nước, giữa các nước khác với nhau với đầy đủ chức năng cơ bản của một đồng tiền (bao gồm: Phương tiện cất trữ giá trị, Phương tiện trao đổi/thanh toán, và Đơn vị hạch toán/thanh toán).
Các lợi ích cơ bản của việc quốc tế hóa đồng tiền đối quốc gia là:
- Về chính trị, nước phát hành đồng tiền có điều kiện mở rộng ảnh hưởng, tăng vị thế quốc gia trên trường quốc tế;
- Về kinh tế, giúp giảm tổn phí cơ hội từ việc duy trì dự trữ ngoại hối và có thể dùng nguồn dự trữ này cho các mục đích khác; Khi thực hiện hoán đổi tiền tệ (gọi tắt là SWAP), ODA: không phải dùng tới dự trữ; giảm nhẹ can thiệp tiền tệ;
- In trái phiếu giúp giảm chi phí đi vay, giảm rủi ro tiền tệ từ việc nắm giữ trái phiếu bản tệ do các nước lớn khác phát hành;
- Tăng khả năng tài trợ tài chính cho thâm hụt cán cân vãng lai của mình và tránh được yêu cầu về duy trì dự trữ ngoại hối;
- Tạo điều kiện tăng nguồn thu cho nhà nước từ việc in tiền mới khi lưu hành ở nước ngoài.
Đối với các nhà xuất khẩu, nhập khẩu: giảm nhẹ rủi ro tỷ giá, tổn phí chuyển đổi sang đồng tiền thứ 3 (chi phí giao dịch) và rủi ro thanh khoản; giảm rủi ro sai lệch tiền tệ và sai lệch kỳ hạn.
Đối với nền kinh tế: Giúp thị trường tài chính, nhất là thị trường trái phiếu có thể phát triển sâu hơn (phát hành trái phiếu), hiệu quả hơn.
Từ năm 2003, Trung Quốc đã bắt đầu kế hoạch quốc tế hóa nhân dân tệ với nhiều biện pháp khác nhau như thúc đẩy giao thương bằng nhân dân tệ, tăng cường sử dụng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế, tăng cường ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ bằng nhân dân tệ…
Tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã được đẩy mạnh đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2009 trở lại đây và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: thị trường đồng nhân dân tệ bên ngoài Trung Quốc đã không ngừng được mở rộng và phát triển với tốc độ cao và chương trình thí điểm thanh toán thương mại xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ tiếp tục được đẩy mạnh đã đưa nhân dân tệ trở thành đồng tiền thanh toán nhiều thứ năm trên thế giới; 52 thỏa thuận hoán đổi đồng nhân dân tệ đã được thực hiện; một số quốc gia như Nga, Nhật, Belarus… đã chấp thuận sử dụng đồng nhân dân tệ và đồng bản tệ trong thanh toán…
Ngày 10/11/2015, Cơ quan trao đổi ngoại tệ Trung Quốc cho biết sẽ cho phép đồng nhân dân tệ được đổi trực tiếp với đồng franc Thụy Sĩ (CHF) trên thị trường ngoại hối. Đây là nỗ lực tiếp theo của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Trung Quốc cũng đang nỗ lực để được đưa vào rổ tiền tệ SDR của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm nâng cao vị thế của mình trên thị trường tài chính để đạt được những lợi ích nêu trên. Tuy nhiên, việc đưa nhân dân tệ vào rổ SDR hay trở thành đồng tiền quốc tế cũng kéo theo những rủi ro nhất định cho Trung Quốc.
“Trung Quốc phải đối mặt trực tiếp với nhiều rủi ro trong 5 năm tới, sau khi mở cửa dần thị trường tài chính và đưa đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền quốc tế”, Thống đốc Ngân hàng Trung ươngTrung Quốc Chu Tiểu Xuyên mới đây đãnhận xét.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên không nêu cụ thể các rủi ro mà Trung Quốc có nguy cơ đối mặt. Tuy nhiên, ông lưu ý các xung đột về mặt cấu trúc đã nhen nhóm, và số phận của kế hoạch cải cách tài chính sẽ phụ thuộc vào tình hình an ninh tài chính quốc gia.
"Nhiệm vụ gian nan của chúng ta trong 5 năm tới là phòng vệ và giảm thiểu rủi ro tài chính", ông Chu Tiểu Xuyên nhấn mạnh.
Còn theo các nhà phân tích thì IMF nhiều khả năng đặt điều kiện yêu cầu Trung Quốc nâng cao mức độ tự do sử dụng nhân dân tệ, đẩy nhanh tự do hóa tài khoản vốn, nới lỏng các hạn chế đối với đầu tư tư nhân ở nước ngoài, giao dịch chứng khoán, sản phẩm phái sinh, lưu thông vốn… Một khi Trung Quốc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này thì đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải đối mặt với tác động từ các dòng vốn nóng quốc tế, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách tiền tệ và quản lý kinh tế vĩ mô thận trọng.
Ngoài ra, về mặt lý thuyết thì nước có đồng tiền quốc tế có thể chịu những bất lợi, rủi ro và trách nhiệm nhất định:
+ Nước phát hành khó khăn hơn trong xác định hơn mục tiêu chính sách tiền tệ của mình, trong kiểm soát cung tiền vì một phần tiền được sử dụng, lưu hành ở nước ngoài; luồng tiền có thể chảy ngược vào trong nước gây bất ổn (phát triển nóng), hoặt bị rút ra đột ngột; đồng tiền có thể bị tấn công; có thể dẫn đến sự bất ổn tài chính và kinh tế vĩ mô.
+ Khi có đồng tiền quốc tế, đồng tiền bản tệ thường lên giá (đồng thời để hấp dẫn việc nắm giữ), do đó, có thể chịu áp lực thâm hụt cán cân vãng lai;
+ Khi được phát hành trái phiếu (chính phủ, doanh nghiệp) bằng đồng bản tệ: có thể vay nhiều quá mức.
+ Khi đồng bản tệ được đồng tiền khác gắn định: khó đơn phương phá giá đồng tiền khi cần thiết;
+ Phải có chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh để duy trì ổn định giá cả và tỷ giá hối đoái, đặc biệt phải có chính sách tài chính, tiền tệ minh bạch.