Đồng Tháp tạo giá trị tăng thêm cho nông nghiệp

Theo Cẩm Trúc/Báo Đồng Khởi

Đồng Tháp đang là tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh, tốc độ phát triển nông nghiệp và du lịch, phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), có nhiều mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Đoàn công tác tỉnh tham quan và tìm hiểu mô hình liên kết sản xuất của Công ty Artex Đồng Tháp, tại Cụm công nghiệp Mỹ Hiệp. Ảnh: Cẩm Trúc
Đoàn công tác tỉnh tham quan và tìm hiểu mô hình liên kết sản xuất của Công ty Artex Đồng Tháp, tại Cụm công nghiệp Mỹ Hiệp. Ảnh: Cẩm Trúc

Khai thác tiềm năng bản địa

Đồng Tháp là tỉnh có nhiều quốc lộ đi qua địa bàn, hệ thống giao thông thuận lợi tạo điều kiện để Đồng Tháp kết nối chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh lân cận, kể cả sang nước bạn Campuchia. Hai nhánh sông Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu chảy qua tạo nên hệ thống giao thông bằng đường thủy tại Đồng Tháp rất thuận lợi. Hai bến cảng nằm bên bờ sông Tiền giúp vận chuyển hàng hóa thuận tiện ra Biển Đông và Campuchia.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho hay, Tỉnh đã quy hoạch tổng thể 1 khu kinh tế cửa khẩu; 8 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.266ha, trong đó có 3 khu công nghiệp tập trung (Trần Quốc Toản, Sa Đéc, Sông Hậu); 31 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 1.500ha, trong đó có 14 cụm đã được lập quy hoạch chi tiết (với diện tích gần 441ha). Các khu, cụm công nghiệp đều có đường điện cao, trung thế và hệ thống nước sạch phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư.

Đồng Tháp được biết đến như một vựa lúa của cả nước và là vùng đầy triển vọng về các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, bông, thuốc lá, đậu tương và cây ăn trái như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt Lai Vung, bưởi Phong Hòa, chôm chôm, vú sữa, mãng cầu có quanh năm. Để khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế nông nghiệp, Đồng Tháp đã tập trung tạo cơ hội, môi trường thuận lợi cho các mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp.

Các mô hình được thực hiện với quy mô lớn, xây dựng đồng bộ chuỗi ngành hàng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa toàn diện, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường... đáp ứng nhu cầu của người dân, được người dân đồng tình, tham gia.

Điển hình như: mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, mô hình sinh kế mùa lũ, mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, mô hình hệ thống tưới phun, điều khiển tự động, mô hình sử dụng phân đơn bón lót cho lúa trong giai đoạn làm đất chuẩn bị xuống giống, mô hình sản xuất rau hữu cơ... Trong đó, mô hình lúa 4.0 tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười được thực hiện năm 2020. Mô hình được đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi nội đồng, tưới tiết kiệm nước ứng dụng đồng bộ giải pháp công nghệ 4.0 với quy mô 170ha.

Kết quả, mô hình giúp giảm chi phí sản xuất, công lao động, giảm ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính; nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân, tạo được vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp (DN) thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiến tới thực hiện cánh đồng lớn. So với ruộng ngoài mô hình, ruộng mô hình cho năng suất bình quân đạt 5,38 tấn/ha, cao hơn 1,08 tấn/ha; lợi nhuận cao hơn từ 5 - 8 triệu đồng/ha. Đến nay, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Gạo Việt Nam (VinaRice), Công ty CP Giống cây trồng Cửu Long, Tập đoàn Lộc Trời đã ký hợp đồng cung cấp giống, tiêu thụ sản phẩm với giá thị trường cộng thêm từ 900 - 1.000 đồng/kg.

Đổi mới tư duy, cách làm

Mô hình hội quán có thể được xem là cách làm hay, sáng tạo của tỉnh Đồng Tháp đã được nhiều tỉnh, thành trong cả nước nghiên cứu, học tập kinh nghiệm. Toàn tỉnh hiện có 116 hội quán trong tổng số 143 xã, phường, thị trấn. Hội quán là nơi tập hợp những người tự nguyện cùng nhau làm ăn.

Đặc điểm của hội quán là không giới hạn về số lượng và địa lý, nơi đâu có cùng nhu cầu, ngành nghề đều có thể tham gia. Điều thú vị nhất của tất cả các hội quán là không ai bàn đến vấn đề kinh phí hoạt động hay cơ sở vật chất. Vì thế hội quán không thành lập quỹ hoạt động mà thành viên vui vẻ chia sẻ và tự nguyện đóng góp khi tham gia.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp Lê Thành Công cho biết, hội quán sinh hoạt tại nhà hội viên và thay đổi luân phiên. Quyết định thành lập của Hội quán là của UBND xã. Lãnh đạo đoàn thể xã, ấp có trách nhiệm cùng tham gia sinh hoạt với hội quán để lắng nghe, trao đổi và kịp thời tháo gỡ khó khăn. Các tổ chức chính trị xem đây là hoạt động quan trọng để có trách nhiệm tham gia.

Ban chủ nhiệm hội quán có trên 50% là những người cán bộ nghỉ hưu có uy tín, nhiệt tâm. Hiện nay, Hội quán được thành lập theo nhóm chuyên từng sản phẩm để cùng học tập, bàn bạc cách sản xuất, phát triển của sản phẩm đó. Qua hoạt động hội quán đã giúp thay đổi nhận thức trong suy nghĩ và cách làm của người dân, đó là người dân cùng nghĩ, cùng làm và cùng hưởng, không trông chờ vào Nhà nước. Mặt khác, sinh hoạt hội quán cũng giúp các tổ chức chính trị nhập cuộc và làm thay đổi nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị theo hướng đáp ứng phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của người dân nơi đó.

Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp (HTX) cũng là một trong những mô hình mới về liên kết sản xuất. Thành viên HTX là những DN và DN khởi nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Giám đốc HTX Bùi Thị Thanh Thủy cho biết, trước khi chưa có HTX, các DN tự mày mò từ khâu nhãn hiệu, đóng gói đến tìm kiếm thị trường… Với sự hỗ trợ, định hướng của sở, ban ngành tỉnh, HTX thành lập giúp DN từng bước hoàn thiện sản phẩm, nhất là các sản phẩm OCOP và kết nối, đi cùng nhau. Đặc biệt, HTX đẩy mạnh phát triển theo hướng thương mại điện tử.

Hiện nay, HTX thực hiện vai trò đầu mối khâu tiêu thụ. Đồng thời, có thể thực hiện các dịch vụ cho thành viên như truyền thông, xây dựng website, thiết kế bao bì, hướng dẫn thực hiện các điều kiện theo tiêu chuẩn OCOP... với phương châm người đi trước rước người đi sau và muốn đi xa thì đi cùng nhau. Để tạo vùng nguyên liệu cho DN thành viên, HTX liên kết các hợp tác xã nông nghiệp khác trên địa tỉnh. Một khác biệt của HTX này là vốn điều lệ đóng góp chỉ hơn 100 triệu đồng, tuy nhiên, với sự uy tín trong hoạt động, thành viên tin tưởng giao sản phẩm cho HTX phân phân phối, tiêu thụ.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, mô hình phát triển kinh tế của Đồng Tháp là phát triển trên 3 trụ cột xoay quanh nông nghiệp, trên nền tảng thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng nông nghiệp phải là đầu vào của chuỗi ngành hàng công nghiệp, thương mại và dịch vụ, tạo dựng hình ảnh nông nghiệp xanh, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa 3 lĩnh vực “nông nghiệp - công nghiệp nông nghiệp - du lịch nông nghiệp” trên nguyên lý công nghiệp và du lịch tạo ra giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp.