Hà Nội tạm dừng phân lô tách thửa đất nông nghiệp
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu tạm dừng việc giải quyết thủ tục liên quan đến chia tách thửa đối với đất nông nghiệp.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa có công văn số 1685 gửi đến UBND các quận, huyện, thị xã và Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội liên quan tới việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ tầng để xây dựng hạ tầng đường giao thông, vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn một số quận, huyện, thị xã được phương tiện thông tin đại chúng phản ánh.
Sở Tài Nguyên và Môi trường đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông trên địa bàn trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2017 đến 31/1/2022 đối với thửa đất có diện tích lớn hơn 500m2.
UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, báo cáo, khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thừa đất, đồng thời đề xuất kiến nghị về các nội dung: điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất tại đại phương… Các trường hợp không được phép tách thửa.
Việc quản lý đối với thửa đất có dịch tích, kích thước nhỏ hơn mức tối thiểu và đối với trường hợp tách thửa đất có hình thành đường giao thông sử dụng chung trên diện tích đất không phải là đất ở.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải đất ở.
Chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất đối với thửa đất ở đảm bảo điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội có trách nhiệm thực hiện rà soát, báo cáo về các nội dung cụ thể: tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị đăng ký biến động đất đai trong khoảng thời gian từ 1/2017 – 1/2022 đối với thủ tục chia, tách thửa đất cho các thửa đất có diện tích lớn hơn 500m2. Đơn vị này cũng cần đề xuất, kiến nghị giải pháp xử lý đối với khó khăn, vướng mắc gặp phải.
Thời gian qua, tại một số huyện ngoại thành của Hà Nội, xuất hiện tình trạng các cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ tự mua gom đất vườn, đất trồng cây lâu năm rồi phân lô, bán nền.
Giới đầu cơ tham gia thị trường này khá tấp nập, nhưng rất ít người mua để ở, từ đó dẫn đến tình trạng “sốt ảo”, thổi giá, nhiễu loạn thị trường rồi gây ra những hệ lụy mà cả Nhà nước và người dân phải gánh chịu. Thực trạng này diễn ra ở nhiều huyện Hà như: Thạch thất, Quốc Oai, Mê Linh, Đông Anh...
Luật sư Trịnh Hữu Đức – Văn phòng luật Hàm Rồng cho biết, các chủ sở hữu hoặc một số người đầu tư lướt sóng bằng những chiêu trò như gom một diện tích từ vài trăm đến hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, trồng cây xen lẫn với đất ở đã được cấp sổ đỏ, để “nhập nhèm” chuyện giao dịch đất đai, trong khi chính quyền cơ sở cũng khó có thể can thiệp vì đây chỉ là giao dịch dân sự.
“Việc tách thửa, phân lô để bán đất nền như vậy không loại trừ khả năng do một nhóm “cò đất” lợi dụng thông tin UBND TP. Hà Nội mới có thêm đề xuất quy hoạch hạ tầng, giao thông cho các huyện ngoại thành, rồi tung tin có dự án bất động sản gần dự án hạ tầng để môi giới kiếm lời. Vì vậy, người dân cần hết sức cẩn trọng, chỉ thực hiện giao dịch khi đã đầy đủ pháp lý, không nên nghe theo những lời quảng cáo vì ham rẻ mà sẵn sàng chấp nhận rủi ro đầu tư” – Luật sư Trịnh Hữu Đức khuyến cáo.