Dòng tiền lớn đang đổ vào thị trường
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể không tăng thêm lãi suất trong năm 2019, Mỹ - Trung Quốc có khả năng đạt được thoả thuận trong cuộc chiến thương mại. Đây là hai yếu tố tích cực giúp dòng vốn có xu hướng chảy vào thị trường cổ phiếu toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Vốn ngoại mua ròng mạnh mẽ
Thống kê trong vòng 1 tháng, kể từ ngày 4/2 - 3/3/2019 của Công ty Chứng khoán VietinBank cho thấy, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường cổ phiếu Việt Nam đạt 111,6 triệu USD. Lượng vốn chảy vào thị trường thông qua các quỹ ETF khá lớn, có thể kết đến Quỹ V.N.M ETF với lượng phát hành chứng chỉ quỹ mới có giá trị hơn 66 triệu USD.
Trong khu vực, thị trường chứng khoán Phillipines đón nhận 127,3 triệu USD vốn ngoại trong vòng 1 tháng qua, thị trường Đài Loan đón nhận 2,8 tỷ USD, nhiều thị trường khác cũng ghi nhận động thái tích cực của dòng vốn ngoại. Động thái này tạo thêm sự tự tin cho dòng tiền nội khi tham gia thị trường.
Trên sàn HOSE, tăng trưởng của chỉ số VN-Index một phần nhờ diễn biến giao dịch tích cực của khối nhà đầu tư nước ngoài. Lượng mua ròng liên tục có chiều hướng tăng từ đầu năm tới nay. Chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm 2019, khối ngoại mua ròng 4.185 tỷ đồng, trong đó nhóm cổ phiếu blue-chips (cổ phiếu của doanh nghiệp lớn) được mua ròng mạnh nhất, nhất là các mã MSN, VNM, VCB, HPG….
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho biết, lợi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh kể từ đầu năm 2019 cũng là yếu tố tích cực khi kích thích dòng vốn nhàn rỗi chảy vào thị trường chứng khoán.
Sự bật tăng của thị trường chứng khoán trong 3 tuần sau Tết Nguyên đán đã giúp Việt Nam đứng trong Top 2 các thị trường tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc. Thanh khoản cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, một phần nhờ khối ngoại tăng cường giải ngân.
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), dòng tiền lớn đã trở lại thị trường, đặc biệt là dấu ấn từ nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi mua ròng mạnh mẽ từ đầu năm 2019 đến nay. Dòng tiền lớn đã được kích hoạt, nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường. Triển vọng kinh tế vĩ mô vẫn đang là động lực khiến động thái giải ngân từ phía nhà đầu tư, cả nội và ngoại mạnh mẽ hơn.
Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc MBS nhận xét, diễn biến kinh tế vĩ mô đang ủng hộ cho đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán, cũng như là yếu tố thúc đẩy, kích thích dòng tiền đổ vào thị trường. Vị thế kinh tế và chính trị của Việt Nam được nâng tầm rõ nét trong khu vực trong 2 năm trở lại đây, nhất là khi Hà Nội được chọn là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.
Chưa kể, Việt Nam đang hướng đến nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên nhóm thị trường mới nổi. Đây là cú huých tích cực với việc hoàn thành dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, triển khai các giải pháp nâng hạng từ phía doanh nghiệp và các cơ quan liên quan.
Nhìn một cách tổng quan, diễn biến hồi phục của thị trường chứng khoán quốc tế, đồng USD suy yếu, giá dầu hồi phục, tỷ giá và lãi suất VND hạ nhiệt, dòng tiền lớn quay lại mua và nhiều thông tin vĩ mô đang hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sự dịch chuyển của dòng tiền
Sự hồi phục tích cực của nhóm cổ phiếu lớn đã dẫn dắt các chỉ số chứng khoán bật tăng trong giai đoạn vừa qua, trong đó VN-Index có thời điểm gần chạm mốc 1.000 điểm. Bên cạnh nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng có không ít phiên giao dịch tỏa sáng, khi có những mã được kéo lên mức giá trần.
Trong đợt tăng giá của thị trường, có sự luân phiên giữa các nhóm ngành và các nhóm cổ phiếu. Cụ thể, sau giai đoạn phục hồi của nhóm ngành ngân hàng là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VNM, GAS, rồi đến nhóm ngành dầu khí, dệt may, bất động sản…
Tính đến thời điểm này, nhóm cổ phiếu dầu khí là nhóm duy nhất vẫn thu hút được dòng tiền trong 5 tuần liên tiếp. Với nhóm bảo hiểm, dòng tiền chảy vào đến tuần thứ 4 liên tiếp. Các nhóm cổ phiếu khác như dịch vụ, cao su tự nhiên, dược phẩm, dệt may thu hút được dòng tiền trong 3 tuần liên tiếp.
Thống kê của MBS cho thấy, về cơ cấu dòng tiền, nhóm ngân hàng có mức độ tập trung lớn nhất với 23%, nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng chiếm 16% toàn thị trường, nhóm dầu khí chiếm 11%, nhóm Vingroup chiếm 8%, nhóm thực phẩm chiếm 7%, nhóm bất động sản chiếm 5%...
Tháng 3 dự kiến vẫn là “mùa ong đi lấy mật” đối với thị trường chứng khoán năm 2019.
Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đã có hơn 2 tuần tăng giá mạnh kể từ sau Tết Nguyên đán và dòng tiền có dấu hiệu chốt lời để tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Theo MBS, dòng tiền luôn có sự dịch chuyển và sẽ chọn nhóm cổ phiếu nào có cơ hội sinh lời, dù là blue-chips hay penny (vốn hóa nhỏ). Hơn nữa, định giá của các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn khá hấp dẫn nên dễ thu hút dòng tiền.
Thực tế, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đóng góp chủ yếu vào đà tăng của thị trường chứng khoán trong 2 tháng đầu năm 2019, nên khi chỉ số VN-Index tiến đến gần mức 1.000 điểm, thì áp lực chốt lời có dấu hiệu gia tăng, nhưng dòng tiền không có hiện tượng rút ra khỏi thị trường, mà có sự dịch chuyển qua các nhóm cổ phiếu khác.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và vốn hóa nhỏ là nơi thu hút dòng tiền trong thời gian gần đây, điều này cho thấy, dòng tiền đầu cơ cũng đang gia nhập trở lại thị trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng đối với nhóm cổ phiếu đầu cơ, nên chú ý vào nhóm vốn hóa trung bình có yếu tố cơ bản tốt để hạn chế rủi ro.
Nhiều chuyên gia chứng khoán nhìn nhận, dòng tiền lớn hiện vẫn chảy vào thị trường và chưa có tín hiệu phân phối. Điều quan trọng hơn cả với nhà đầu tư là chọn lọc cổ phiếu và đừng quá chú tâm vào chỉ số.
“Hãy nhìn vào sự vận động tích cực của của dòng tiền, trong nội tại thị trường vẫn đang tạo ra nhiều cơ hội. Với dòng tiền vào tốt trở lại trong vài tuần qua, tôi cho rằng, thị trường sẽ tăng âm ỉ cho tới hết quý I/2019. Hơn nữa, khi bạn đã tin tưởng vào xu hướng tăng thì việc còn lại là chọn cổ phiếu và mỗi khi thị trường điều chỉnh đều là cơ hội để mua”, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, Công ty Chứng khoán VNDIRECT chia sẻ.
Một vấn đề khác cần lưu ý là sự biến động mạnh của thị trường sẽ làm nhà đầu tư kích thích và dễ cuốn vào vòng xoáy mua bán lướt sóng trong phiên. Điều cần thiết là lựa chọn cổ phiếu mục tiêu và giữ vững kỷ luật mua bán, tránh mua đuổi, sẽ mang lại hiệu quả cao. Nếu nhà đầu tư cảm thấy mất định hướng trong ngắn hạn thì có thể tạm ngừng giao dịch một thời gian ngắn và theo dõi đến khi cảm thấy tự tin vào trực giác của mình mới giải ngân lại.
Anh Nguyễn Văn Dương, một nhà đầu tư tại Hà Nội nhận định, nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí và bất động sản nhiều khả năng sẽ tiếp tục tạo sức hút đối với dòng tiền và là bệ phóng đối với thị trường, giúp nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan hơn. Đặc biệt, mùa đại hội đồng cổ đông chuẩn bị diễn ra với nhiều kế hoạch kinh doanh khả quan đang dần được công bố, tạo ra hiệu ứng tích cực với dòng tiền.
Tháng 3 dự kiến vẫn là “mùa ong đi lấy mật” đối với thị trường chứng khoán năm 2019. Trong bối cảnh dòng tiền đang có dấu hiệu lan tỏa, tập trung tìm kiếm các cổ phiếu tốt hơn là phụ thuộc vào diễn biến chỉ số thì cơ hội vẫn đang mở ra đối với nhà đầu tư.