Dòng tiền tìm kênh trú ẩn trong dịch Covid-19
Tâm lý hoang mang bao trùm trong dịch Covid-19 khiến dòng tiền tiếp tục tìm đến kênh trú ẩn.
Bộ phận Phân tích CTCP Chứng khoán SSI - SSI Research có báo cáo thị trường tiền tệ tuần 17-21/2. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục phát hành 23.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày, lãi suất 2,65%/năm. Lượng tín phiếu lưu hành liên tục tăng trong 4 tuần qua, hiện ở mức gần 109.000 tỷ đồng.
Kênh OMO cũng có giao dịch đầu tiên trong năm 2020 nhưng giá trị rất nhỏ, chỉ 21 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày ở lãi suất 4%/năm. NHNN hút ròng 22.976 tỷ đồng và nâng lũy kế từ đầu tháng 2 lên 84.000 tỷ đồng.
Nguồn: SSI Research. |
Thanh khoản trên liên ngân hàng vẫn khá dồi dào, lãi suất đi ngang ở mức 2,16%/năm với kỳ hạn qua đêm và 2,38%/năm (giảm 14 điểm cơ bản) ở kỳ hạn 1 tuần. Chênh lệch lãi suất VND/USD duy trì ở mức 0,5-0,7%/năm.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) như BIDV, VCB, HDBank, ABBank, ACB… đã triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi hoặc giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1,5%/năm với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Về phía lãi suất huy động, một số ngân hàng giảm từ 5-20 điểm cơ bản trên biểu lãi suất niêm yết. Theo khảo sát, lãi suất thỏa thuận với các món tiền gửi lớn ít thay đổi, xoay quanh 4,1-5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3-7,4%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-7,5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Các yêu cầu về chỉ tiêu an toàn và thanh khoản sẽ khiến lãi suất huy động các NHTM vẫn khó giảm.
Vàng và USD tăng giá mạnh, VND đi ngang trên ngân hàng
Mặc dù tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc có vẻ đã được kiểm soát nhưng lại có dấu hiệu lan rộng trên toàn cầu. Hiện 29 quốc gia, vùng lãnh thổ có người nhiễm Covid-19, trong đó Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 nước có số người nhiễm tăng rất nhanh, cao thứ 2 và 3, sau Trung Quốc.
Tâm lý hoang mang bao trùm khiến dòng tiền tiếp tục tìm đến kênh trú ẩn, vàng tăng thêm 3,75% và 8,31% so với đầu năm, lên mức đỉnh 7 năm là 1643,4 USD/oz. USD cũng lên giá mạnh, chỉ số DXY có lúc lên tới 99,87 – mức cao nhất trong vòng 3 năm, nhưng giảm về 99,26 vào cuối tuần, khi đón nhận thông tin chỉ số PMI sản xuất tháng 2 của Mỹ chỉ là 50,8, thấp hơn mức 51,9 của tháng trước. Tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp đã khiến JPY không còn là điểm trú ẩn ưa thích, đồng tiền này giảm giá 1,66% so với tuần trước và 2,74% so với đầu năm; KWR của Hàn Quốc cũng giảm 2,02% so với tuần trước và 4,45% so với đầu năm.
Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nới lỏng tiền tệ. PBoC giảm lãi suất tham chiếu cho các khoản vay của ngân hàng với khách hàng (LPR) xuống 4,05% (giảm 10 điểm cơ bản) với kỳ hạn 1 năm và 4,75% (giảm 5 điểm cơ bản) với kỳ hạn 5 năm sau khi đã giảm 10 điểm cơ bản với lãi suất MLF vào tuần trước. Đồng thời, chủ động tăng tỷ giá USD/CNY tham chiếu lên trên 7, tỷ giá này đã tăng 0,53% so với tuần trước, khiến tỷ giá giao dịch USD/CNY cũng tăng tương ứng. Sự nỗ lực kích thích nền kinh tế thông qua chính sách tiền tệ và tiến triển trong quan hệ thương mại với Mỹ đã hãm lại đà mất giá của CNY, đồng tiền này chỉ giảm giá 0,9% so với USD, mức thấp hơn hầu hết các đồng tiền khác.
Tỷ giá giao dịch USD/VND đi ngang ở mức 23.145/23.315 trên ngân hàng nhưng tăng 20 đồng/USD ở thị trường tự do, lên mức 23.220/23.240. Đánh chú ý, tỷ giá trung tâm tăng tới 24 đồng/USD, lên mức cao nhất từ trước tới nay 23.239 đồng/USD ( tăng 0,36% so với đầu năm) – vượt xa tỷ giá giao dịch trên cả ngân hàng và tự do.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt 30 triệu USD trong nửa đầu tháng 2/2020. Giá trị xuất khẩu nửa đầu quý I/2020 đạt 27,86 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, giá trị nhập khẩu nửa quý I/2020 là 28,27 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Mức thâm hụt lũy kế 410 triệu USD từ đầu năm đến 15/2 vẫn thấp hơn khá nhiều mức 1,28 tỷ USD cùng kỳ năm 2019. Mặc dù chịu nhiều áp lực từ diễn biến quốc tế nhưng tâm lý thị trường và cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn khá ổn định, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục dao động trong biên độ hẹp.