Dòng tiền từ Trung Quốc “bốc hơi” khỏi Mỹ
Dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm mạnh kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ và xu hướng này chưa dừng lại cho tới nay. Hiện tại, vốn FDI từ Trung Quốc vào nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Khi ông Trump trúng cử năm 2016, vốn FDI từ Trung Quốc vào Mỹ ở mức cao kỷ lục, vượt 46,5 tỷ USD, cao hơn gấp đôi kỷ lục ghi nhận năm 2015 là 15,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 2,5 năm khi ông Trump nắm quyền, Trung Quốc chỉ còn đầu tư 29,7 tỷ USD năm 2017, 5,4 tỷ USD năm 2018 và ước tính khoảng 3,5 tỷ USD năm nay, theo số liệu từ Rhodium Group.
Bên cạnh đó, bóng dáng của khách du lịch Trung Quốc cũng dần mờ nhạt tại xứ sở cờ hoa. Trong giai đoạn 2012-2016, khách du lịch Trung Quốc chiếm 40% lượng khách quốc tế tới Mỹ.
Hiện tại, con số này đã giảm xuống 3% và thậm chí còn thấp hơn, dựa vào số liệu từ Cơ quan quản lý du lịch và dịch vụ lữ hành Mỹ, cũng như nghiên cứu từ hãng phân tích dữ liệu Macrobond.
Thực tế, dòng vốn FDI từ Trung Quốc giảm mạnh một phần bởi các công ty công nghệ Ðại lục không được phép đầu tư vào Mỹ với lý do “lo ngại về vấn đề an ninh”.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, diễn biến này là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của các biện pháp phi thuế quan mà 2 quốc gia áp dụng trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Chẳng hạn, Mỹ đang thắt chặt kiểm tra an ninh dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, công việc này sẽ do Hội đồng Ðầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) tiến hành. Bên cạnh đó, Mỹ quy định khắt khe hơn về điều kiện cấp visa đối với sinh viên Trung Quốc tại các bậc học cao tại nước này.
Chính quyền của Tổng thống Trump còn ban hành các lệnh cấm vận, hoặc đòi hỏi nghiêm ngặt hơn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Mỹ (bao gồm Huawei), thậm chí xem xét việc “gỡ” các doanh nghiệp Trung Quốc đang niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ.
BNP Paribas đã tạo một mẫu hình kinh tế với mục tiêu đo lường các tác động gia tăng từ hàng rào phi thuế quan. Theo đó, việc đánh thuế 25% lên toàn bộ hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng với những hàng rào phi thuế quan khác, sẽ khiến chi phí thực hiện hoạt động kinh doanh gia tăng khoảng 28-37%, thay vì khoảng 10-25% chi phí trung bình gia tăng với riêng hàng rào thuế.
Hàng rào thuế quan lẫn phi thuế quan sẽ có tác động lan toả trên thị trường, khiến các quyết định đầu tư, kinh doanh bị trì hoãn, chuỗi cung ứng hàng hoá có sự chuyển dịch và môi trường kinh doanh trở nên bất ổn hơn.
Những hành động khó đoán trước của Tổng thống Trump là một trong những yếu tố tạo nên sự bất ổn trên thị trường. Do đó, các chính sách thuế mới nhất của Mỹ đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc vừa được áp dụng vào ngày 1/9 và Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ khiến các thành viên thị trường và doanh nghiệp tin rằng, cuộc chiến tranh thương mại sẽ còn kéo dài.
Một khảo sát được thực hiện bởi Hội đồng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc vào tháng 5/2019 cho thấy, 40% những người trả lời đang có kế hoạch tái cơ cấu hệ thống phân phối, đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh ra khỏi Trung Quốc, hoặc đang suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này.
Ðây là thời điểm 3 tháng trước khi Tổng thống Trump thông báo đánh thuế lên mọi hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc.
Không tính tới hàng rào phi thuế quan, nghiên cứu của Morningstar cho rằng, chi phí trung bình cho việc nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc của doanh nghiệp Mỹ sẽ đạt 17,5% trong tháng 9 này.
Hàng rào thuế quan lẫn phi thuế quan sẽ có tác động lan toả trên thị trường, khiến các quyết định đầu tư, kinh doanh bị trì hoãn, chuỗi cung ứng hàng hoá có sự chuyển dịch và môi trường kinh doanh trở nên bất ổn hơn.
Hiện tại, nhiều quỹ đầu tư chuyên nghiệp, các tổ chức kinh tế lớn đã xem mức thuế 25% được áp dụng với mọi hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc là “điều kiện đủ” để tính toán và đưa ra các chiến lược hoạt động trong thời gian tới.