Đồng tình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 22%
Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về mức giảm thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 22% nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy đầu tư, tái đầu tư.
Giảm thuế là để nuôi dưỡng nguồn thu
Tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đình trệ, sức mua thị trường thấp, giá trị tồn kho lớn, tăng trưởng tín dụng thấp thì việc xem xét giảm thuế là hết sức cần thiết và phù hợp với chiến lược cải cách thuế cũng như xu thế cải cách thuế của các nước.
Khẳng định dự thảo quy định giai đoạn 2014 - 2015 áp dụng thuế suất phổ thông giảm từ 25% xuống 22% là hợp lý, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) lý giải, nếu giảm nữa thì khó khăn cho ngân sách.
Theo đại biểu Phùng Đức Tiến - Hà Nam, việc giảm thuế suất cũng vừa đảm bảo được tính cạnh tranh hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam so với các nước trong khu vực, vừa không gây tác động giảm thu ngân sách quá đột ngột.
Làm rõ thêm về lợi ích của giảm thuế, đại biểu Nguyễn Văn Bình - TP. Hải Phòng cho biết, trong điều kiện khó khăn hiện nay, nếu có lộ trình giảm thuế cụ thể ngay trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ không ngần ngại mở rộng sản xuất kinh doanh, ngần ngại tái đầu tư đưa vào sản xuất, kinh doanh.
Thực tiễn cho thấy, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông từ 28% xuống 25% không gây giảm thu ngân sách mà ngược lại giúp ngân sách nhà nước tăng thu liên tục từ năm 2009. Nguồn thu có thể giảm trước mắt, nhưng sẽ nuôi dưỡng được nguồn thu trong lâu dài.
Tuy nhiên, theo vị đại biểu này, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22 - 23 % vẫn là một giải pháp tuần tự, một giải pháp có tính chất bình thường.
“Trong điều kiện nền kinh tế rất khó khăn như hiện nay doanh nghiệp rất cần sự trợ giúp mang tính khẩn cấp và biện pháp giảm từ 25% xuống còn 20% là thích hợp”, ông Bình chia sẻ.
Một góc cạnh khác, đại biểu Bình yêu cầu, Chính phủ cần có các biện pháp để ngăn chặn tình trạng chuyển giá, khai thác các khoản thuế mà trước đó nhà nước chưa thu được. Mặt khác Chính phủ cần có phương án cụ thể để tăng nguồn thu thuế của khối doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đang nộp thuế suất thấp theo giấy phép đầu tư trước đây.
“Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang nộp thuế 1 năm chỉ ở mức 15- 20% suốt đời của dự án’, đại biểu Bình chỉ rõ.
Là người rất gần gũi với doanh nghiệp, đại biểu Vũ Tiến Lộc – Thái Bình cho biết, trong quá trình thực hiện các biện pháp giải cứu hay hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không chỉ có biện pháp chúng ta cứu các doanh nghiệp khó khăn để giúp cho họ trụ vững mà vấn đề chúng ta phải có những biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp đang có năng lực cạnh tranh, đang có hiệu quả cao để họ vươn lên tạo thành những động lực tăng trưởng để có thể lôi kéo được các doanh nghiệp trong nền kinh tế cùng phát triển. Do vậy, vị đại biểu này đề nghị, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% cho cả các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Lý giải đề xuất này, ông Lộc nêu rõ: “Để doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng thuế suất thấp hơn và doanh nghiệp lớn hưởng thuế suất cao hơn, có nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật trong quá trình triển khai và quan niệm của chúng ta khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang chưa nhất quán”.
Đề nghị ưu đãi thuế cho cả các loại hình báo chí ngoài báo in
Về lĩnh vực thuế thu nhập đối với báo chí, đại biểu Hà Minh Huệ - Bình Thuận cho biết, giới báo chí rất quan tâm và hoan nghênh ngay từ khi có đề xuất đưa báo chí vào diện ưu đãi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được bổ sung, sửa đổi tại Khoản 2, Điều 13. Theo đó thu nhập từ hoạt động báo in kể cả quảng cáo báo in được bổ sung vào diện áp thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm.
Tuy nhiên, sự ưu đãi này lại không được áp dụng đối với các loại hình báo chí khác, báo hình, báo nói, báo điện tử với lý do giảm thuế sẽ làm giảm thu nhập ngân sách. Hơn nữa, một số kênh truyền hình có thu nhập cao cho nên không thực hiện quy chế riêng, không áp thuế thấp và đặc biệt là truyền hình không có kiến nghị về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong khi thực tế, thời gian qua hoạt động phát hành của hầu hết các cơ quan báo in bị lỗ phải lấy nguồn thu từ quảng cáo để bù đắp. Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tháng 3 năm 2013, do kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, do nhiều doanh nghiệp làm ăn sa sút, hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động nên nguồn thu quảng cáo của báo chí đã bị ảnh hưởng khá lớn.
Năm 2012, quảng cáo của báo in giảm 8% so với năm 2011. Tình hình thu nhập quảng cáo trong lĩnh vực truyền hình tuy khá hơn, nhưng trong số 67 đài phát thanh, truyền hình, chỉ có 4 trung tâm lớn như: Truyền hình Việt Nam, truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, truyền hình Hà Nội và truyền hình Vĩnh Long có doanh thu quảng cáo tốt, có tiền nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn trên 60 đài phát thanh, truyền hình địa phương khác trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Quảng cáo trên báo điện tử và các đài phát thanh vẫn chưa có chuyển biến đáng kể, đây là điểm yếu của khối báo, đài của ta so với thế giới.
“Ưu đãi cho báo in là một bước tiến thừa nhận báo chí là lĩnh vực hoạt động văn hóa như Luật thuế thu nhập doanh nghiệp trước kia đã nói nhưng không áp dụng với báo chí”, đại biểu Huệ thừa nhận.
Nhấn mạnh rằng, thuế báo chí đóng góp cho ngân sách chưa nhiều, giảm thuế suất cho báo chí cũng không ảnh hưởng nhiều tới thu nhập ngân sách, tuy nhiên có giảm thu về kinh tế nhưng lợi ích chính trị do báo chí mang lại chắc chắn sẽ rất nhiều, vị đại biểu này đề nghị, giảm thuế suất không chỉ đối với báo in mà cả đối với các loại hình báo chí khác gồm: báo nói, báo hình, báo điện tử, và nên để thời gian áp dụng thuế đối với báo chí lên từ ngày 1/7/2013 như đề xuất áp dụng với một số hình thức trường hợp doanh nghiệp ưu tiên khác thay vì áp dụng chung từ ngày 1/1/ 2014.
Tiến tới bỏ khống chế chi phí quảng cáo
Về nội dung nâng mức khống chế đối với chi phí quảng cáo tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng, môi giới từ 10% lên 15%, đa số ý kiến đại biểu tán thành quy định này. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng cần quy định lộ trình tiến tới bỏ mức khống chế nêu trên để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Nguyệt Hường – Hà Nội cho biết, hiện nay trên thế giới cũng chỉ còn có hai nước có quy định về mức khống chế chi phí được trừ đối với hoạt động quảng cáo, tiếp thị. Trong khi, trên thực tế các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau, sản phẩm cũng khác nhau nên nhu cầu về quảng cáo, tiếp thị cũng hoàn toàn không giống nhau.
Vì thế, “việc quy định một tỷ lệ chung cho các ngành hàng, không những bất cập trên thực tế mà còn kiềm chế việc bán hàng và kinh doanh của doanh nghiệp’, đại biểu này khẳng định.
Mặt khác chi phí được trừ chỉ đến cuối năm hay quý I của năm sau doanh nghiệp mới có thể biết được chính xác bao nhiêu. Do đó doanh nghiệp cũng không tính được kế hoạch chi quảng cáo cụ thể. Vì vậy, đại biểu Hường đề nghị, Ban soạn thảo xem xét để có thể điều chỉnh chi phí quảng cáo hoa hồng để tính trên tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, thay vì tính trên tổng số chi phí được trừ như dự thảo luật để đảm bảo tính chủ động cho doanh nghiệp.
Đề nghị này của đại biểu Hường cũng được đa số các đại biểu đồng ý.
Theo đại biểu Phùng Đức Tiến, không nên khống chế trần chi phí quảng cáo được tính trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng có thể xác lập nguyên tắc mềm quy định doanh nghiệp chỉ được tính giảm trừ 50% tổng chi phí quảng cáo phát sinh không căn cứ vào tổng số chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp được tính trừ hoặc có thể cho phép doanh nghiệp được tính giảm trừ 15 đến 20% tổng doanh thu từ sản xuất kinh doanh dịch vụ của năm tài chính.
Theo đại biểu, việc này cho phép doanh nghiệp có thể chủ động quyết định được ngân sách chi cho quảng cáo của mình tùy thuộc vào mục tiêu kinh doanh xây dựng được thương hiệu, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo đại biểu Dương Trung Quốc, không thể vì một số doanh nghiệp gian lận mà gây khó khăn cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trong trường hợp này, khi khống chế chi phí tiếp thị quảng cáo, thậm chí còn buộc người ra gian lận trong kê khai các chi phí khác, chuyển chi phí tiếp thị quảng cáo vào các chi phí khác và như vậy chúng ta vẫn rất khó khăn, ngân sách Nhà nước vẫn không thu được và doanh nghiệp lại rất khó khăn
Đồng tình với đại biểu Quốc, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề xuất, phải có lộ trình bỏ trần chi phí tiếp thị quảng cáo.
“Nếu trong thời gian hiện nay chưa làm được thì cũng tối thiểu nâng lên đến 20% - 30%, hoặc là giữ mức 15% trên tổng doanh thu như đề xuất, đấy là bước đi tôi nghĩ là ngập ngừng, chứ còn nếu đột phá tôi nghĩ kể cả thuế suất đưa xuống 20% và chi phí tiếp thị, quảng cáo chúng ta cũng mạnh dạn bỏ để cởi trói, để tạo điều kiện, tạo những động lực phát triển của các doanh nghiệp của chúng ta”, ông Lộc chia sẻ./.