Đồng USD đang siêu mạnh
(Tài chính) Không nói quá khi cho rằng nhà đầu tư quốc tế đang “yêu” đồng USD và “ghét” đồng EUR. Hiện tại, đồng bạc xanh đang có giá cao nhất trong hơn một năm.
Đây có thể là một thông tin tuyệt vời đối với người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, nếu đồng USD cứ tiếp tục tăng giá, thì đây lại là tin xấu đối với các doanh nghiệp lớn và thị trường chứng khoán. Nói một cách đơn giản, khi đồng USD mạnh, người tiêu dùng Mỹ sẽ mua vào các hàng hóa nhập khẩu với giá rẻ hơn. Đồng thời, điều này cũng giúp túi tiền của các du khách Mỹ “rủng rỉnh” hơn khi ở nước ngoài. Vì thế, nếu người Mỹ nào đang mơ mộng về một kỳ nghỉ tại châu Âu thì đây có thể là thời điểm thích hợp.
Hiện tại, đồng USD đang leo dốc khá mạnh so với đồng EUR với mức tăng từ đầu năm đến nay là 5%. Hơn nữa, gần đây đồng bạc xanh cũng tăng giá mạnh so với đồng JPY và đồng bảng Anh.
Điều này diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về tình trạng giảm phát tại châu Âu cũng như khả năng căng thẳng Nga-Ukraina có thể tác động xấu đến đà tăng trưởng của khu vực.
Trong bài phát biểu vào tháng trước, Chủ tịch ECB Mario Draghi “bóng gió” ám chỉ rằng châu Âu có thể cần phát động một chương trình mua tài sản tương tự như chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để đưa nền kinh tế khu vực trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Trên thực tế, mới đây ECB đã thuê BlackRock tư vấn cho kế hoạch mua trái phiếu tiềm năng này. Dù vậy, người phát ngôn ECB nhấn mạnh trong email gửi cho CNN Money rằng ECB vẫn chưa quyết định liệu có áp dụng một chương trình tương tự như QE hay thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình này. Thế nhưng, nỗi lo sợ về Nga có thể tác động đến diễn biến tiếp theo của đồng USD mạnh hơn với các động thái của ECB.
Ông Axel Merk, Giám đốc đầu tư của Merk Investments LLC, cho biết đà tăng của đồng USD cho tới nay xuất phát từ Nga nhiều hơn là Chủ tịch Draghi. Ông nói thêm: “Tình hình tại Ukraina đang làm xói mòn niềm tin vào đà phục hồi của châu Âu và việc áp dụng thêm các hình phạt đối với Nga cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực này”.
Theo ông Merk, rất khó để xác định hành động tiếp theo của Tổng thống Vladimir Putin. Bất ổn này có thể dẫn đến việc có thêm nhiều nhà đầu tư bán tháo đồng EUR và mua vào đồng USD. Không nói quá khi cho rằng nhà đầu tư Mỹ đang “yêu” đồng USD và “ghét” đồng EUR.
Ông nói: “Mọi người đang mua đồng USD một cách mặc định. Mọi người đang đầu tư hùa theo người khác”.
Nếu xu hướng này tiếp tục, các tập đoàn đa quốc gia lớn của Mỹ có thể gặp khó khăn khi họ bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý 3 vào tháng 10.
Theo đó, các “ông lớn” như Coca-Cola, Procter & Gamble, IBM và Johnson & Johnson đều bán một lượng lớn sản phẩm cũng như dịch vụ của mình ở nước ngoài. Vì thế, lợi nhuận của họ có thể sụt giảm khi chuyển khoản doanh thu từ nước ngoài sang đồng USD mạnh hơn.
Ông Ashraf Laidi, chiến lược gia toàn cầu của City Index Ltd. tại London, cho biết có thể đồng USD cần tăng mạnh hơn trước khi các tập đoàn đa quốc gia bắt đầu cảm nhận được tác động. Ông dự báo điều này có thể xảy ra nếu đồng EUR xuống dưới ngưỡng 1.30 USD và duy trì dưới mốc này một thời gian. Hiện đồng tiền chung Eurozone đang được giao dịch ở mức 1.31 USD. Ông nói: “Điều đó có thể xảy ra trong ngày thứ Năm, phụ thuộc vào quyết định của ECB”.
Vậy đồng USD mạnh còn gây nên tác động nào nữa? Nếu người tiêu dùng bị hút vào vòng xoáy mua hàng nhập khẩu giá rẻ, đây có thể là một trở ngại đối với các nhà sản xuất của Mỹ vì các doanh nghiệp này sẽ trải qua một giai đoạn khó khăn hơn khi phải cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Bà Kathy Lien, Giám đốc điều hành BK Asset Management cho biết: “Hiện đồng USD mạnh chưa trở thành vấn đề nhưng cuối cùng có thể dẫn đến khó khăn. Nền kinh tế Mỹ có thể được hưởng lợi khi nhu cầu nội địa gia tăng”.
Dù vậy, dường như đồng USD vẫn chưa phải là kênh đầu tư “ngọt ngào” trong thời điểm hiện tại. Thay vào đó, có vẻ như nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ các tài sản khác của Mỹ như cổ phiếu và trái phiếu.
Theo bà Kathy Lien, nếu báo cáo việc làm của Mỹ vào thứ Sáu tới khả quan thì đồng USD có thể tiếp tục leo dốc. Vì thế “Mua hàng Mỹ” không phải là một lời kêu gọi mang tính yêu nước. Đó còn là một cách đúng đắn để cho thấy xu hướng chung của nhà đầu tư toàn cầu.