Đồng USD sụt giảm thấp nhất trong tuần trước lo ngại về biến chủng Delta
Tỷ giá đồng USD đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong tuần so với các đồng tiền chủ chốt khác, cho thấy nhà đầu tư suy giảm niềm tin đặt cược vào các chính sách thắt chặt sớm của Fed.
Trước đó, hôm 13/8, đồng USD đã giảm mạnh nhất trong suốt 7 tuần khi niềm tin của người tiêu dùng Mỹ sụt giảm. Chỉ số Dollar - Index đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) thay đổi ở mức 92,528 điểm, duy trì mức giảm 0,50% so với cuối tuần trước. So với đồng Euro, đồng bạc xanh chủ yếu đi ngang ở mức 1,17960 USD, gần với mức thấp nhất trong một tuần là 1,18045 USD đạt được hôm thứ 13/8.
CPI sụt giảm mạnh, khiến các nhà đầu tư cho rằng lạm phát Mỹ tăng mạnh có thể chỉ là nhất thời như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã từng cảnh báo. Điều này có thể sẽ khiến Fed tiếp tục trì hoãn thắt chặt chính sách tiền tệ, qua đó sức hấp dẫn của vàng đã gia tăng trở lại.
Một cuộc khảo sát của Đại học Michigan được công bố vào cuối tuần trước cho thấy tâm lý người tiêu dùng trượt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011 trong bối cảnh gia tăng nhiễm COVID-19 do biến thể Delta lây lan nhanh.
Cụ thể, các quốc gia trên khắp thế giới đang đặt lại các hạn chế về giãn cách xã hội và quy định đeo khẩu trang, cũng như danh sách các thành phố bị phong toả ngày càng tăng. Khi xu hướng này lan rộng, không có gì ngạc nhiên khi người tiêu dùng, nhà đầu tư và doanh nghiệp trở nên lo lắng. Các hoạt động du lịch và giải trí có thể bị ảnh hưởng lớn vào mùa thu, đặc biệt nếu nhiều quốc gia thắt chặt các hạn chế, chỉ số niềm tin người tiêu dùng sẽ tiếp tục trượt dốc, điều này sẽ kéo theo sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư. Mặc dù giới chuyên môn dự đoán niềm tin sẽ giảm, nhưng tại lúc này đây đã là một trong những mức giảm lớn nhất được ghi nhận ngoài dự kiến.
Theo Reuters, Tapas Strickland, một nhà phân tích tại Ngân hàng Quốc gia Úc, viết trong một lưu ý khách hàng rằng: "Liệu cuộc khảo sát có báo hiệu một bước ngoặt sắp xảy ra trong nền kinh tế Mỹ không? Chúng tôi nghi ngờ nó do hiệu quả của vaccine vẫn cao và tác động đến tâm lý có thể có nghĩa là nhiều người sẽ tiêm vaccine hơn. Nhưng với sự gia tăng các ca lây nhiễm với biến chủng Delta ở Mỹ, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế”.
Dù sút giảm, đồng USD vẫn đang giữa được ổn định gần mức đỉnh 4 tháng. Trước đó, USD Index đã giảm 0,2% vào thứ Tư (11/8) sau khi dữ liệu báo cáo cho thấy giá tiêu dùng có chiều hướng hạ nhiệt.
Các vị thế mua ròng bằng đồng bạc xanh đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2019 trong tuần kết thúc vào ngày 10 tháng 8, theo tính toán của Reuters và dữ liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai.
Trong thời gian qua, đồng bạc xanh đã mạnh lên trên diện rộng kể từ giữa tháng 6 với việc USD - Index chạm mức cao nhất kể từ ngày 1/4 ở mức 93,195 khi Fed có động thái chuẩn bị tăng lãi suất sớm hơn dự kiến trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng lên cao khi nền kinh tế phục hồi đã thúc đẩy giá cả tăng lên.
Hiện trong tháng này, các nhà đầu tư đang hướng tới hội nghị Ngân hàng Trung ương của Fed ở Jackson Hole, Wyoming, để tìm manh mối về động thái tiếp theo của Fed. Họ kỳ vọng Fed sẽ thông báo cắt giảm các biện pháp kích thích trong vòng năm 2021, có khả năng sớm nhất là vào tháng 9.
Karl Schamotta, Chiến lược gia thị trường tại Cambridge Global Payments ở Toronto, cho biết: “Động lực chính trong tuần này là áp lực lạm phát giảm tốc sẽ làm giảm động lực cho việc giảm bớt các giao dịch mua tài sản của Fed”.