Đồng Việt Nam "tăng giá", lợi hay hại?

Theo Hoàng Hà/vnbusiness.vn

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm mạnh giá mua ngoại tệ cho thấy tiền đồng đang lên giá so với USD. Khi đó, NHNN mua vào với giá rẻ, tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam vốn đang khó khăn vì dịch bệnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong kịch bản VND tăng giá dưới 5% so với USD, hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mất đi lợi thế khi cạnh tranh với các nước khác. Ở chiều ngược lại, điểm tích cực khi VND lên giá là sẽ tạo thuận lợi cho hàng nhập khẩu cũng như giảm bớt rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định rót vốn vào Việt Nam.

Giá mua ngoại tệ lao dốc

Trong 2 phiên giao dịch ngày 11 - 12/8, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm mạnh, tổng cộng lên đến 39 đồng, hiện ở mức 23.152 VND/USD.

Quan sát cho thấy, tỷ giá VND/USD đang có đà lao dốc trên thị trường liên ngân hàng. Theo đó, trong ngày 11/8, Sở Giao dịch NHNN đã quyết định điều chỉnh giá niêm yết mua vào USD với bước giảm rất mạnh, chưa từng có từ trước tới nay.

Cụ thể, mức giá mua vào USD chỉ còn 22.750 VND, tức giảm tới 225 VND so với mức áp dụng từ ngày 8/6/2021 đến nay. Phiên giao dịch ngày 12/8, giá mua vào USD không đổi so với phiên liền trước.

Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng qua, nhà điều hành đã lần lượt có 2 lần giảm giá mua vào ngoại tệ với mức rất mạnh (lần liền trước là giảm 150 VND). Đáng lưu ý, trước đây, Sở giao dịch NHNN giảm giá mua vào USD với mức không quá lớn, chỉ từ 25-50 VND.

Một điểm được chú ý nữa là, nếu như thời gian qua, NHNN áp dụng mua ngoại tệ theo phương thức kỳ hạn, với kỳ hạn 6 tháng, lượng VND cung ứng mua ngoại tệ sẽ rải dần ra thị trường, thì nay áp dụng với phương thức mua giao ngay, lượng tiền VND cung ứng sẽ trực tiếp chảy ra thị trường.

Rất có thể, động thái này phản ánh kết quả mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong việc gỡ mác "thao túng tiền tệ" cách đây ít lâu.

TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: “Mục đích sâu xa của NHNN khi áp dụng mua ngoại tệ theo phương thức kỳ hạn có thể nhằm chứng minh cho phía Mỹ thấy Việt Nam không còn can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối, nhưng hiện nay, với động thái giảm mạnh giá mua USD, thay vì tiền đồng giảm giá thì tiền đồng lại lên giá, vì vậy nguy cơ bị Mỹ đưa vào danh sách theo túng tiền tệ không còn. Do đó, có thể NHNN thấy rằng, việc áp dụng mua ngoại tệ theo phương thức kỳ hạn không cần thiết nữa và quay trở lại với mua ngoại tệ giao ngay”.

Tỷ giá biến động nửa cuối năm?

Về mặt kinh tế, theo đánh giá của các chuyên gia, tiền đồng lên giá so với USD giúp NHNN tăng mua dự trữ ngoại hối với giá rẻ. Ngược lại, điều này sẽ khiến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đồng nội tệ của các nước có cạnh tranh hàng xuất khẩu với Việt Nam, điển hình như Trung Quốc, đều đã lên giá mạnh so với USD.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong thời gian gần đây, đồng NDT của Trung Quốc tăng khá mạnh so với USD, khiến kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này cũng chịu áp lực gia tăng. Ngoài ra, việc giá hàng hóa thế giới tăng mạnh trong suốt thời gian qua, trong khi nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên nhiên vật liệu đầu vào cũng là nguyên nhân khiến giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng mạnh.

Thống kê cho thấy, nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2021 tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, những tháng cuối năm, VND có thể chịu áp lực mất giá do cán cân thương mại chuyển sang nhập siêu, mối lo về giá cả hàng hóa cao hơn, cùng khả năng lãi suất Mỹ bước vào chu kỳ tăng trở lại.

Tuy nhiên, có một điểm tích cực đó là dòng kiều hối và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tăng trưởng tốt, nên đủ để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa. Trong khi đó, tín dụng ngoại tệ cũng tăng cao, nên cung - cầu ngoại tệ vẫn khá cân bằng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong 7 tháng đầu năm nay, lượng kiều hối về TP. Hồ Chí Minh đạt 3,7 tỷ USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là mức tăng trưởng khả quan trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Những yếu tố này sẽ giúp tỷ giá VND/USD sẽ có biến động trong 6 tháng cuối năm nay, song mức tăng sẽ không đáng kể nhờ dòng kiều hối về Việt Nam vẫn dồi dào”, một chuyên gia nhận định.