Dòng vốn M&A luân chuyển giữa các nước ASEAN
Các công ty ASEAN đã trở thành những nhà đầu tư lớn nhất vào chính khối này.
Nhận thấy cơ hội từ thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng và cơ sở hạ tầng đang phát triển của các nước Đông Nam Á, các công ty, tập đoàn tại khu vực này đang tích cực tham gia vào cuộc chơi tại các nước láng giềng, thông qua việc đẩy mạnh xây dựng nhà máy và thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập.
Một bài viết trên Nikkei mới đây cho biết, các công ty ngay trong khối ASEAN đã vượt qua châu Âu vào năm 2015 để trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào khu vực này lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua. Các khoản đầu tư đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực này.
Được xây dựng bởi công ty Hoàng Anh Gia Lai của Việt Nam, trung tâm thương mại Myanmar Plaza cao 5 tầng được khai trương hồi cuối tháng 12 năm ngoái là nơi tụ hội của các thương hiệu nội địa cũng như quốc tế, bao gồm cả Adidas. Trung tâm mua sắm hiện đại đầu tiên này của Myanmar đã thu hút đông đảo khách hàng là tầng lớp trung lưu. Một tòa nhà văn phòng kế đó cũng đã hoàn thành, còn một tòa chung cư cao cấp dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2018. Tổng vốn đầu tư rót vào khu phức hợp này là 440 triệu USD.
Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor ước tính, thị trường bán lẻ ASEAN sẽ tăng trưởng khoảng 20% trong giai đoạn 2015 - 2020, đạt mức giá trị 588,3 tỷ USD. Do đó, nhiều công ty, tập đoàn đang cố gắng "chen chân" để nắm lấy cơ hội tăng trưởng này.
Nhà sản xuất đồ uống có cồn Boon Rawd Brewery (Thái Lan) nổi danh với nhãn hiệu bia Singha đang đẩy mạnh thâm nhập vào thị trường Việt Nam khi đầu tư tổng cộng 1,1 tỷ USD vào tập đoàn Masan Group. Trong khi đó, đại gia sữa Việt Nam Vinamilk cũng đã bắt đầu sản xuất sữa tại Campuchia từ tháng 5.
Theo một báo cáo mới phát hành vào ngày 6/9 tại hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển, đầu tư trong khu vực ASEAN đạt tổng cộng gần 120 tỷ USD trong năm 2015, giảm 8% so với năm trước đó nhưng đây là mức đầu tư hằng năm lớn thứ ba từ trước đến nay. Trong đó, các công ty nội khối ASEAN chiếm 20%, đánh bật các công ty châu Âu khỏi vị trí đầu bảng.
Để xây dựng một ASEAN lớn mạnh hơn, các công ty trong khu vực cũng đang tích cực rót vốn vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Lippo Group, một tập đoàn Indonesia do cổ đông gốc Hoa nắm giữ chủ yếu, đang lên kế hoạch xây 20 bệnh viện hiện đại tại Myanmar, trang bị các thiết bị tiên tiến do Mỹ sản xuất.
Để biến kế hoạch thành hiện thực, Lippo đang liên doanh với tập đoàn lớn nhất Myanmar là First Myanmar Investment. Tổng vốn của liên doanh này là 420 triệu USD, trong đó Lippo góp 40% cổ phần. Tập đoàn Indonesia này cũng kỳ vọng sẽ được cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế ở Yangon và các khu vực nông thôn.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo khu vực ASEAN sẽ cần 1.000 tỷ USD vốn để phát triển cơ sở hạ tầng đến năm 2020. Tập đoàn Viễn thông Quân đội Việt Nam (Viettel) cũng đầu tư 800 triệu USD để nâng cấp hạ tầng viễn thông Myanmar. Còn tập đoàn Siam Cement của Thái Lan đã bắt đầu sản xuất xi măng tại Indonesia và cũng đang có tham vọng tiến vào thị trường Myanmar và Lào. Các nước ASEAN phát triển hơn được kỳ vọng sẽ rót nhiều vốn đầu tư vào các nước nghèo hơn như Campuchia, Lào và Myanmar.
Khối ASEAN cũng đang cạnh tranh quyết liệt với "khối ngoại" trong các hoạt động M&A bởi nhờ vậy các công ty sẽ nhanh chóng tiếp cận với khách hàng và chuỗi cung ứng hơn, đồng thời thử thách khả năng vận hành doanh nghiệp khi tiến hành mở rộng.
Nhà bán lẻ Central Group (Thái Lan) đã mua lại chuỗi siêu thị Big C Việt Nam từ tay tập đoàn Casino (Pháp), nhờ đó sở hữu 70 siêu thị và các cửa hàng bán lẻ. Trong khi Siam City Cement (Thái Lan) cũng mua lại hoạt động của tập đoàn sản xuất xi măng lớn nhất thế giới tại Việt Nam - LafargeHolcim, qua đó sở hữu 5 nhà máy tại thị trường này.
Mặc dù Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức ra đời vào cuối năm 2015, nhưng theo ông Mustapa Mohamed, Bộ trưởng Công thương của Malaysia, AEC mới chỉ bắt đầu gỡ bỏ các rào cản. Thách thức bao gồm việc loại bỏ các rào cản phi thuế quan và phát triển cấu trúc pháp lý chung. Các cuộc đàm phán giữa 10 thành viên AEC về các vấn đề gai góc có thể xác định liệu các khoản đầu tư của các công ty ASEAN có thể sinh lợi hay không.