Đợt điều chỉnh vừa qua của thị trường đơn thuần chỉ là do tâm lý
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, đợt điều chỉnh giảm vừa qua của thị trường xuất phát chủ yếu từ những lo ngại về dịch bệnh chứ không bắt nguồn từ yếu tố vĩ mô hay tình trạng sức khoẻ của doanh nghiệp niêm yết.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đã điều chỉnh giảm mạnh từ ngày 6/7 cho tới 23/7 với mức giảm của Vn-Index từ mức cao 1.420 điểm xuống mức thấp nhất là 1.225 điểm (20/7) tương ứng mức giảm 13,73%, sau đó chỉ số này có sự hồi phục trở lại vùng 1.295 điểm (22/7) trước khi lại giảm điểm trong phiên cuối tuần 23/7 để đóng cửa ở mức 1.268,8 điểm.
Những nguyên nhân chính cho tình trạng “đỏ lửa” của thị trường trong những tuần qua là sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, trong đó dịch diễn biến đặc biệt phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, kéo theo đó là hàng loạt quyết định giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 tại 19 tỉnh phía Nam và gần đây là Hà Nội (ngày 24/7).
Rõ ràng tâm lý nhà đầu tư đã bị tác động tiêu cực trước mối lo dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng tới kinh tế và doanh nghiệp , tình huống này xảy ra trong trạng thái Vn-Index đang giao dịch tại vùng điểm cao nhất lịch sử (1.420 điểm) với mức margin cao trên thị trường (giai đoạn cuối tháng 6 đầu tháng 7) và tổng hòa của những yếu tố này khiến thị trường có đợt điều chỉnh khá với mức giảm hơn 13% về chỉ số và trong đó nhiều cổ phiếu thậm chí đã giảm 18% - 25% từ ngày 6/7 cho tới 23/7.
“Đợt điều chỉnh lần này là khá lớn nhưng đơn thuần xuất phát từ những lo ngại về dịch bệnh (yếu tố tâm lý) mà không phải bắt nguồn từ những thay đổi lớn về kinh tế vĩ mô hay sự suy giảm hiểu quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết”, ông Ngọc nhận định.
Cũng theo ông Ngọc, với việc Vn-Index đã giảm khoảng 13% thì mức P/E của thị trường về lại vùng quanh 17 lần, là vùng bắt đầu hấp dẫn đối với dòng tiền đầu tư trung hạn trong kịch bản dự kiến mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp niêm yết là khoảng 25% - 30% trong năm 2021.
Hiện, thị trường đang trong giai đoạn công bố kết quả quý II, do đó những con số khả quan về lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm 2021 sẽ là yếu tố để hút dòng tiền trở lại, nhất là khi mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm về vùng định giá hấp dẫn.