Đột phá chính sách để thành "hổ châu Á"
Việt Nam có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, không nhất thiết phải đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng. Điều này đã không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự trở thành quyết tâm hành động bởi tiềm năng còn rất lớn và quan trọng hơn cả là gần 100 triệu người dân Việt Nam, bao gồm cả đồng bào trong nước cũng như ở nước ngoài luôn nuôi dưỡng khát vọng mãnh liệt trở thành một quốc gia độc lập, tự cường và thịnh vượng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định điều này tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 diễn ra chiều 17/1.
Còn nhiều vấn đề lớn
Tại Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá kinh tế Việt Nam có một năm 2018 thành công và đáng ghi nhận. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới và vượt qua mọi con số dự báo trước đó.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, khi đang đứng ở trên thành công chính là lúc chúng ta cần tĩnh tâm tư duy để xác định các vấn đề lớn mang tính cốt yếu, chiến lược, tạo nền tảng để phát triển cho giai đoạn tới. Bên cạnh những thành tựu cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế.
Một quốc gia muốn "hóa rồng, hóa hổ" trước tiên phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn cần phải có một sự đột phá trong chính sách.
"Vậy lựa chọn của Việt Nam là gì? Chúng ta cần làm gì để Việt Nam không phải chỉ là "một con mèo nhỏ" mà phải trở thành "một con hổ mới" của kinh tế châu Á, như cách so sánh của Gs. Jay Rosengard, Đại học Harvard đã từng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ nhất, tháng 6/2017", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đặt vấn đề.
Tuy vậy, để trở thành "con hổ" lớn, Việt Nam cần phải vượt qua rất nhiều thách thức. Trong đó, nền công nghiệp phụ trợ còn yếu và thiếu, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn chủ yếu gia công ở giai đoạn cuối trong chuỗi sản xuất, giá trị gia tăng thấp nên khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có tính đến quy tắc xuất xứ và năng lực của công nghiệp hỗ trợ có hiệu lực, Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi.
Khẳng định Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất, điểm đến của đầu tư nước ngoài, tuy nhiên ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng việc tham gia chuỗi sản xuất của thế giới còn nông nên chưa gặt hái lợi ích mở cửa với bên ngoài cho DN nội.
"Cán cân xuất nhập khẩu chủ yếu thuộc về khối FDI, 70% giá trị thương mại trong hoạt động xuất khẩu thuộc về DN FDI. Trong khi đó, thâm hụt thương mại hiện nay thuộc về khu vực DN trong nước", ông Ousmane nhấn mạnh.
Đáng lo hơn, ông Ousmane cho rằng tỷ trọng giá trị nội địa của Việt Nam hiện đã giảm theo thời gian, đóng góp của Việt Nam thấp trong các sản phẩm xuất khẩu cao, giá trị nội địa sản phẩm điện tử chỉ chiếm 40%, còn lại 60% là nguyên liệu nhập khẩu.
Giai đoạn 2010 – 2016, giá trị nội địa trong hàng xuất khẩu có độ tinh xảo cao tại Việt Nam cũng giảm. Như vậy, Việt Nam vẫn lắp ráp, thu về giá trị thấp.
Nguyên nhân của tình trạng này cho thấy Việt Nam thiếu nhà cung cấp trong nước có chất lượng tốt. Hiện chỉ có 9% DN trong nước có chứng chỉ quốc tế về chất lượng.
Ông Ousmane cho rằng Việt Nam có cơ hội nâng cao giá trị trong nước để tận dụng FDI và chuỗi toàn cầu. Muốn như vậy cần thu hút nhà đầu tư thành đối tác chính để đưa ra hướng dẫn chỉ đạo, tiếp thị cần thiết. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn DN trong nước, qua đó kết nối vào chuỗi sản xuất của khối ngoại.
Ông Eric Sidwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng với độ mở của nền kinh tế lớn, quản lý kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu.
Bởi vậy, việc phát triển theo chiều rộng sẽ không đem lại chất lượng thực sự cho nền kinh tế, đảm bảo cho trung hạn và bền vững. Việt Nam cần nâng cao hiệu suất tăng trưởng, hài hòa sự tham gia của tư nhân vào nền kinh tế và khuôn khổ chính sách đầu tư theo chuẩn quốc tế.
"Qua từng năm, Việt Nam đã tiến lên nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Quá trình đi đến quốc gia thịnh vượng sẽ có những thăng trầm nhưng cần đảm bảo không có những cú sốc đối với nền kinh tế", ông Eric khuyến nghị.
Kiến tạo sức bật mới
Đại diện cho khối DN tư nhân, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc VietJet Air, chia sẻ ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng 15 – 16% mỗi năm, kéo theo sự tăng trưởng tốt cho kinh tế. "Chúng tôi thường nói vui với nhau là những việc mình làm trong 6 năm qua đã bằng 63 năm của ngành hàng không Việt Nam tạo dựng".
Tuy nhiên, bà Thảo kiến nghị, tốc độ tái cơ cấu, cổ phần hóa DN nhà nước và ngân hàng cần nhanh hơn để giảm tác động vào kinh tế tư nhân.
"Thủ tướng khẳng định tư nhân làm tốt thì tạo điều kiện nên Chính phủ cần có cơ chế cho tư nhân làm cơ sở hạ tầng, đặc biệt hàng không", bà Thảo chia sẻ.
Theo bà Thảo, Vietjet Air là DN vận hành 80 tàu bay, vận chuyển khoảng một nửa lượng khách của Việt Nam nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng ở mặt đất như phục vụ suất ăn, nhà ga, sân bay hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống độc quyền tự nhiên của Nhà nước. "Chúng tôi nói đùa với nhau là không có tấc đất nào ở ngành hàng không", bà Thảo nói.
Trong khi đó, liên quan tới phát triển kinh tế số, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), cho biết trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nước chậm nhất về kinh tế số, trong khi đó Thái Lan đã chuyển đổi thành công cách đây ba năm.
Theo Bộ trưởng TT&TT, công nghệ số sinh ra mô hình kinh doanh mới, thách thức mô hình kinh doanh truyền thống như Uber thách thức taxi, fintech thách thức ngân hàng truyền thống.
Vấn đề là Chính phủ có dám chấp nhận mô hình kinh doanh mới này hay không, nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận sẽ không có giá trị nhiều. Bởi vậy, số hóa nền kinh tế cần sức mạnh về chính sách nhiều hơn về công nghệ.
"Chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ mới của thế giới sẽ về, người tài trên toàn cầu sẽ về, nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện, nhưng phải là sự chấp nhận sớm hơn người khác. Đi sau người khác, đi cùng người khác sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng hiện nay", Bộ trưởng chia sẻ.
Phát biểu tại Diễn đàn, đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng DN, chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong năm 2019, Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại toàn bộ các khía cạnh điều hành kinh tế – xã hội, trong đó tập trung vào ba khía cạnh: Cải cách và tiến trình hoạch định phát triển kinh tế xã hội trong 10 năm trở lại đây; những khía cạnh quản trị của Chính phủ và Chính phủ sẽ đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho phát triển. Trong đó, Chính phủ xác định kinh tế số có vai trò động lực, là cỗ máy tiên phong cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc
Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị của Nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên, cải cách, nâng cao hiệu quả DN nhà nước và kinh tế HTX, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực FDI trở nên gắn kết với khu vực kinh tế nội địa.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Nguyễn Văn Bình
Thế giới hiện đại là thế giới phẳng, quốc gia này hơn quốc gia kia không phải vật chất mà là thể chế, các nước cạnh tranh với nhau là ở thể chế, sức cạnh tranh. Có thể chế tốt có cạnh tranh tốt, có thể chế tốt có nguồn lực toàn cầu, có khoa học công nghệ, có cơ hội mới. Đơn cử, chúng ta nói nhiều về kinh tế số nhưng chính sách không hỗ trợ sẽ không có kinh tế số, hay cơ hội từ các FTA rất lớn nhưng nếu môi trường kinh doanh không cải thiện sẽ khó đạt được.
Tổng Giám đốc VietJet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo
DN tư nhân mong được ứng xử bình đẳng, công bằng, là đầu tàu cho ngành công nghiệp phụ trợ. Chúng tôi mơ ước trở thành những thương hiệu toàn cầu như Samsung, Alibaba và cần có cái nhìn tin tưởng hơn, công bằng hơn với DN tư nhân.