Động lực mới tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới

Theo Vũ Thủy/daibieunhandan.vn

Sáng 5/12, Diễn đàn thường niên về Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ nhất với chủ đề “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới” chính thức diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn. Diễn đàn cũng có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, học giả hàng đầu trong nước và trên thế giới.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Diễn đàn là bước kế thừa và phát triển của Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG Meeting) và Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF).

VRDF lần đầu tiên này có ý nghĩa rất quan trọng khi được tổ chức vào thời điểm Việt Nam đang bước vào những năm cuối của thời kỳ thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) cũng như bước vào giai đoạn chuẩn bị cho việc xây dựng Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm của giai đoạn mới.

“Với phương thức tổ chức thường niên, Diễn đàn sẽ là dịp để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia thảo luận cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề cải cách và phát triển của đất nước, tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng và xã hội, khuyến nghị và đề xuất các giải pháp ngắn hạn và dài hạn” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ..., Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, chúng ta sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại.

Để làm được điều này, “Việt Nam cần tập trung xác định những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng và phát triển. Trong đó, động lực tăng trưởng chính là cải cách thể chế kết hợp với tập trung nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các chính sách, giải pháp phù hợp”.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đánh giá cao những thành tựu về kinh tế - xã hội của Việt Nam đã đạt được trong 30 năm qua. Tuy nhiên, “hành trình của Việt Nam trở thành nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới chỉ bắt đầu. Những thành tựu trong quá khứ không bảo đảm thành công trong tương lai. Do đó, Việt Nam phải giải quyết những trở lực mang tính cơ cấu trong nước, như dân số già hóa nhanh, tăng trưởng năng suất lao động còn thấp… Để giải quyết những trở lực này, Việt Nam cần lựa chọn hướng đi trong bối cảnh thế giới thay đổi. Đó là, cần cải cách để phát triển kinh tế tư nhân trong; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng; đầu tư về nguồn vốn nhân lực; hướng tới tăng trưởng xanh để bảo đảm phát triển bền vững”, ông nói.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã thảo luận về tầm nhìn Việt Nam trong thế giới thay đổi nhanh và động lực tăng trưởng mới. Đó là đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghiệp 4.0 và phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, đề xuất các giải pháp ngắn hạn và dài hạn có tính khả thi cao nhằm tạo những chuyển biến rõ nét, căn bản trong các hành động chính sách, hướng tới sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.