Dự án đường cao tốc Quảng Ngãi - Bình Định: Cần tính toán hợp lý trong quá trình thực hiện
Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, dự án Đường cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định) sẽ triển khai thực hiện. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề trong thiết kế như thoát lũ, nguồn vật liệu đất đắp và hạ tầng phục vụ dự án... cần được tính toán một cách hợp lý, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
Bài học từ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Để sớm có trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam thông suốt, nhất là kết nối giữa các tuyến cao tốc từ Quảng Trị đến các tỉnh Nam Trung Bộ, Bộ Giao thông - Vận tải đang tổ chức lấy ý kiến các cơ quan liên quan và các tỉnh, thành phố để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trong đó có dự án đường cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, để hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai đầu tư.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và người dân cho rằng, trong quá trình thiết kế dự án, Bộ Giao thông Vận tải cần có những điều chỉnh để phù hợp với thực tế, tránh tình trạng gây nên những xáo trộn nhất định như: Ngập lụt cục bộ, chia cắt các địa phương như đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa bàn tỉnh.
Ghi nhận dọc tuyến từ Quảng Ngãi - Dốc Sỏi (cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) cho thấy, trừ số ít đoạn qua các sông, suối hoặc khu vực khác dự án mới thi công cầu, còn lại toàn tuyến sử dụng đất đắp để nâng cao nền đường từ 4 - 5m so với nền đất hiện hữu. Chính điều này đã chia cắt các khu vực.
Không chỉ gây chia cắt mà do nền đường cao tốc quá cao đã trở thành “đê” ngăn nước gây ngập một số nơi, nhất là những vùng trũng, thấp khi dòng chảy bị thay đổi. Đơn cử như khu vực các thôn Mỹ Thạnh Bắc, xã Nghĩa Thuận và Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ (đều thuộc huyện Tư Nghĩa), sau khi tuyến cao tốc hình thành đã tạo thành con “đê”, nên mỗi khi có lũ lụt lớn, nước lũ thoát chậm, gây ngập cục bộ trong thời gian dài so với trước đây.
Một bất cập khác mà dự án gây bức xúc trong nhân dân, đó là tình trạng nhà thầu “mượn” đường giao thông nông thôn ở huyện Bình Sơn để vận chuyển vật liệu đến công trường, nhưng sau khi hoàn thành dự án thì nhà thầu không hoàn trả lại hiện trạng các tuyến đường như đã cam kết, gây mất an toàn giao thông trong quá trình đi lại của người dân.
Cần tham khảo ý kiến địa phương
Theo thiết kế được đơn vị tư vấn cung cấp tại buổi làm việc của Bộ Giao thông Vận tải với UBND tỉnh Quảng Ngãi, tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88km; trong đó, đoạn thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 62km, đi qua các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức và TX.Đức Phổ. Trong các hướng tuyến được đề xuất, thì đa phần đều nằm ở phía tây trung tâm các huyện, thị xã. Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương kiến nghị, trong quá trình thiết kế và thực hiện dự án, cần đánh giá một cách tổng quan để đảm bảo phát huy hiệu quả dự án và không làm xáo trộn đời sống nhân dân trong vùng, nhất là vấn đề thoát lũ, đường kết nối băng qua cao tốc...
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng kiến nghị, Bộ Giao thông Vận tải và đơn vị tư vấn cần kiểm tra thực tế hiện trường, thu thập đầy đủ các dữ liệu về lũ lụt, lượng mưa, cũng như các quy hoạch của huyện khi xây dựng thiết kế dự án. Bởi tình trạng ngập cục bộ nhiều ngày liền đã xảy ra trên địa bàn xã Hành Thuận và Nghĩa Điền (Tư Nghĩa), khi đoạn đường dẫn vào cao tốc có hệ thống cống thoát quá hẹp, không đảm bảo thoát nước ra sông Xóm Xiếc.
Bên cạnh đó, một vấn đề đáng lo ngại là nguồn vật liệu đất đắp phục vụ xây dựng công trình sẽ không thể đáp ứng đủ, do nhu cầu quá lớn cho việc thi công hơn 60km đường cao tốc, với khối lượng lên đến hàng triệu mét khối. Bởi thực tế vừa qua, khi thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nguồn đất đắp luôn là vấn đề nan giải.
Theo một cán bộ Sở Giao thông Vận tải, với nguồn lực còn hạn chế, nên các đề xuất như làm cầu cạn qua các vùng trũng thấp để đảm bảo thoát lũ và tạo cảnh quan cho các khu vực dự án đi qua là bất khả thi. Bởi giá trị hiện hành giữa thi công đắp đất nền và làm cầu cạn chênh nhau hơn 10 lần. Do đó, việc thi công nền đường bằng đất đắp là phù hợp với điều kiện thực tế đất nước hiện nay.
“Tuy nhiên, để đảm bảo hài hòa và tính hiệu quả dự án mang lại, Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị tư vấn phải xây dựng thiết kế kỹ thuật đảm bảo khả năng thoát lũ, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân, cũng như phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, phải làm việc với tỉnh trong quy hoạch các khu vực lấy đất đắp thi công dự án để tránh tình trạng “nước đến chân mới chạy” như những dự án vừa qua”, vị cán bộ này góp ý.