Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận: Cần cơ chế, chính sách đặc thù

PV.

(Tài chính) Xây dựng nhà máy điện hạt nhân vì mục đích hòa bình và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của phát triển kinh tế-xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã nhận được sự đồng thuận lớn của dư luận trong và ngoài nước. Tuy nhiên, điện hạt nhân là lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên rất cần đến các cơ chế chính sách đặc thù. Thực tế này đang đặt ra với Dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận…

Ngoài việc phát triển điện hạt nhân đảm bảo an ninh, an toàn hiệu quả, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và có đánh giá đa chiều về những tác động đến đời sống người dân… Khó khăn và thách thức trong việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, vốn đầu tư và cơ sở hạ tầng ở mức thấp.

Trước thực trạng này, mới đây Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành Đề án “Cơ chế, chính sách đặc thù đối với Dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận”, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2015; trong đó báo cáo kinh nghiệm của các nước có nhà máy điện hạt nhân, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển kinh tế xã hội cho vùng chịu ảnh hưởng của Dự án trong quá trình xây dựng và vận hành Nhà máy điện hạt nhân.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương hoàn thành xây dựng các phương án tài chính cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó đề xuất tỷ lệ trích từ doanh thu bán điện của các Nhà máy điện hạt nhân cho Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế xã hội cho vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.