Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể đạt từ 6,13% - 6,48%
Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo kịch bản 1 và 6,48% trong kịch bản 2. Cùng với đó, xuất khẩu cả năm dự báo tăng lần lượt 4,02% và 5,19%. Lạm phát bình quân năm 2024 cũng được dự báo lần lượt ở mức 3,94% và 3,72%.
Đó là thông tin được đưa ra trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố mới đây.
Cụ thể, báo cáo đưa ra 2 kịch bản dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024. Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo Kịch bản 1 và 6,48% trong Kịch bản 2.
Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,02% trong Kịch bản 1 và tăng 5,19% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 6,26 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2024 dự báo lần lượt ở mức 3,94% và 3,72%.
Đại diện nhóm Nghiên cứu của CIEM, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 tăng 5,05%, thấp hơn 1,45 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra (6,5%). "Kết quả này đã có sự cải thiện giữa các quý và có sự phục hồi tích cực.
Đặc biệt, theo các chuyên gia của CIEM, đà phục hồi tăng trưởng kinh tế không đi kèm với gia tăng áp lực lạm phát. Khu vực doanh nghiệp chứng kiến những chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm 2023.
Báo cáo của CIEM cũng đánh giá kết quả hai năm thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản liên quan đến tổ chức thực thi RCEP.
Kết quả trong giai đoạn 2018 - 2023, dù còn cần theo dõi thêm, cho thấy tỷ trọng xuất nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia tham gia Hiệp định RCEP nhìn chung giữ xu hướng giảm. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong RCEP còn tương đối thấp (0,67%).
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam cần tiếp tục xử lý một số thách thức trong quá trình thực hiện RCEP trong thời gian tới; trong đó, có các thách thức về cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi, rủi ro gia tăng nhập siêu với một số đối tác trong RCEP, và bảo đảm chất lượng của các dự án FDI từ khu vực RCEP.
Thách thức lớn nhất là tăng cường nhận thức, quán triệt cho các cơ quan, doanh nghiệp về tư duy phù hợp để tiếp cận và khai thác hiệu quả cơ hội từ RCEP.
“Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng” nhấn mạnh việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở cải thiện vững chắc nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động”, các chuyên gia của CIEM cho biết.
Nhìn nhận về thách thức năm 2024, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược cạnh tranh cho rằng, việc hồi phục kinh tế thế giới gặp nhiều trục trặc, khó khăn.
Nền kinh tế của nhiều đối tác chiến lược của Việt Nam đi xuống, tăng trưởng kinh tế thế giới khó khăn, trung bình từ 3-3,5%. Bên cạnh đó, lạm phát cao, chính sách tiền tệ của các nước phát triển giảm áp lực nhưng những rủi ro còn rất cao.
TS. Võ Trí Thành cũng đề cập tới những vấn đề tích cực trong bối cảnh hiện nay như, vấn đề chuyển đổi số, kinh tế xanh, dịch chuyển cung ứng của các tập đoàn lớn trên thế giới đồng thời đưa ra một số đề xuất để nhóm nghiên cứu cân nhắc.
Ông Dennis Quennet - Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh cho rằng, kinh tế Việt Nam có điều kiện khá thuận lợi để khởi đầu năm 2024. Cũng như các nền kinh tế mới nổi khác trên thế giới, Việt Nam hiện đang hướng tới một nền kinh tế tri thức.
Để đạt được điều đó, cần hết sức chú trọng tới chuyển giao công nghệ trong quá trình chuyển dịch, các phương thức đầu tư mới, cũng như quan tâm tới phát triển nguồn nhân lực.