Dự báo thị trường bất động sản năm 2018: Nhà ở xã hội khan hàng
Chưa có gói tín dụng mới hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, vì vậy, nguồn cung phân khúc này đang là vấn đề lớn trong năm 2018.
Vẫn mất cân đối cung - cầu
Dự báo về thị trường bất động sản trong năm 2018, GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, thị trường sẽ phát triển tốt hơn năm 2017 vì những lo ngại như bong bóng, sốt giá… sẽ không xảy ra và thị trường vẫn phát triển hướng tới sự bền vững.
Khu vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã có sức phát triển mạnh nhất trong năm 2017 với nhiều dự án đầu tư lớn ở Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Quảng Ninh. Phân khúc này sẽ tiếp tục có sức hút lớn trong năm 2018 vì tăng trưởng ngành du lịch mấy năm gần đây của nước ta có tỷ lệ khá cao (30-40%) và tương lai có thể tiếp tục tăng. Du lịch Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những nơi tăng trưởng du lịch mạnh trên thế giới.
Khả năng tăng trưởng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong năm 2018 hoàn toàn phù hợp khi có nhiều dự án đầu tư trên quy mô lớn ở những nơi có tiềm năng du lịch, ví dụ như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… Đặc biệt, thời gian tới, có 3 đặc khu kinh tế thì khả năng bất động sản nghỉ dưỡng còn phát triển mạnh hơn, đây là tiền đề cho kinh tế du lịch Việt Nam hướng tới trở thành mũi nhọn.
Tuy nhiên, “những tồn tại của thị trường bất động sản 2017 là tình trạng cung vượt cầu, thiếu thông tin, thiếu nguồn cung nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội và điều này vẫn tiếp tục là khó khăn của thị trường trong năm 2018”, GS. Đặng Hùng Võ phân tích.
Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn... Đến nay, các địa phương mới đáp ứng được khoảng 28% kế hoạch đã đề ra để đáp ứng nhu cầu.
Một trong những nguyên nhân khiến phân khúc nhà giá rẻ và nhà ở xã hội tiếp tục khan hàng năm 2018 là chưa có gói tín dụng ưu đãi để kích thích cả cung và cầu phân khúc này. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở giá trung bình và giá cao thì vượt xa so với cầu.
Hơn nữa, Luật Nhà ở đã mở khá rộng cho cá nhân là người nước ngoài mua và kinh doanh bất động sản, nhưng thực tế sức hút người nước ngoài tham gia thị trường chưa cao.
Dịch chuyển hướng đầu tư
Về nguồn cung phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội còn thấp, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, lý giải: Các dự án nhà ở thương mại trung, cao cấp hay dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội khi triển khai sẽ cần điều kiện đất đai, cơ chế chính sách, quá trình đầu tư xây dựng về mặt pháp lý gần như giống nhau, chỉ có quy mô to hay nhỏ. Vì quy trình đầu tư như nhau nhưng lợi nhuận nhà giá rẻ không bằng chung cư tầm trung và cao cấp nên khó hút được nhà đầu tư. Số lượng nhà đầu tư chọn phân khúc nhà giá rẻ không nhiều trong khi đó nhu cầu của thị trường lại rất lớn.
Theo dự báo của ông Cường, năm 2018, các nhà đầu tư bất động sản sẽ thay đổi danh mục đầu tư, thay đổi chiến lược đầu tư, không chọn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là địa bàn đầu tư chính bởi vì lượng hàng gần như bão hòa ở phân khúc giá cao và cao cấp.
Các chủ đầu tư thường chọn các tỉnh thành như Lào Cai, Phú Quốc, Vân Đồn (Quảng Ninh)… để đầu tư những dự án mới do chính sách thu hút đầu tư cởi mở hơn và hạ tầng giao thông rất thuận lợi.
Một số nhà đầu tư bất động sản lựa chọn chiến lược đầu tư đón lõng sự phát triển của hạ tầng giao thông như tuyến tàu hỏa cao tốc ở Côn Minh (Quảng Tây - Trung Quốc) nối với Lào Cai - Hà Nội, tàu hỏa liên thông Đông Nam Á. Khu vực vùng biên nơi tập trung hoạt động thương mại quốc tế, các khu du lịch, đặc khu kinh tế như Phú Quốc, Vân Đồn… đều hấp dẫn nhà đầu tư.