Dư địa giảm lãi suất còn hạn hẹp
Về lý thuyết, nếu muốn kích cầu tín dụng cần giảm lãi suất cho vay. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, liệu lãi suất giảm có khiến tín dụng tăng và đâu là yếu tố mấu chốt để thúc đẩy tín dụng tăng trong giai đoạn tới đây? Để tìm câu trả lời, phóng viên đã trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng.
Phóng viên: Theo ông, dư địa giảm lãi suất của các ngân hàng còn nhiều không?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Dư địa lãi suất phụ thuộc nhiều vào lạm phát. Hiện tại tuy lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn loanh quanh 4%. Trong khi lãi suất huy động đang ở mức 5-6%/năm tuỳ các kỳ hạn. Lãi suất cho vay chênh lệch khoảng 3% so với lãi suất huy động, dao động ở mức 9%/năm.
Mặt bằng lãi suất như hiện tại, theo tôi là phù hợp. Hiện chênh lệch giữa lãi suất huy động và lạm phát không nhiều nên phải cân nhắc đến lợi ích của người gửi tiền và các cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Muốn lãi suất giảm mạnh hơn thì lạm phát phải giảm sâu hơn nữa. Còn nếu không hạ lãi suất huy động mà vẫn phải giảm lãi suất cho vay thêm nữa thì ngân hàng khó tồn tại phát triển được vì NIM ngân hàng đã rất mỏng, ảnh hưởng đến năng lực tài chính và khả năng hỗ trợ nền kinh tế. Mặc dù cá nhân tôi rất muốn lãi suất giảm thêm, song với tình hình hiện tại, tôi nghĩ là dư địa giảm lãi suất của các ngân hàng khá hạn hẹp.
Ông có cho rằng, ép lãi suất cho vay giảm thêm, tín dụng sẽ tăng nhanh hơn?
Theo tôi, có giảm thêm lãi suất cho vay nữa cũng không tác động nhiều đến tăng trưởng tín dụng. Bởi vấn đề mấu chốt đặt ra ở đây là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Nhiều DN, cá nhân đang khó khăn, nên khả năng vay mượn ngân hàng cũng rất hạn chế. Điều này đồng nghĩa với việc cho vay của ngân hàng sẽ gặp trở ngại vì nhu cầu vốn thấp. Chính vì thế, dù chúng ta cố ép hạ lãi suất nhiều cũng không có nghĩa lý gì. Đó là chưa kể phản ứng phụ của nó là hạ lãi suất cho vay sâu nữa lại tạo cơ hội dòng tiền đầu cơ. Người vay có thể dùng tiền đó đầu tư vào các tài sản nhiều rủi ro vàng, chứng khoán, BĐS... tạo rủi ro cho cả hệ thống.
Vậy theo ông, giải pháp nào hỗ trợ tăng trưởng tín dụng tích cực hơn?
Với tình hình hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ phía ngân hàng là rất khó. Sức khỏe của DN nhất là DNNVV ngày càng suy yếu, trong khi ngân hàng lại không thể hạ chuẩn tín dụng thì cơ hội tiếp cận vốn của DN sẽ ngày càng bị thu hẹp lại. Nếu không cứu DN để họ rời khỏi thị trường, nền kinh tế mất động lực tăng trưởng, người lao động mất việc làm ngày càng tăng ảnh hưởng đến an sinh xã hội...
Để hóa giải nút thắt này, theo tôi chỉ có thể tăng cường cho vay thông qua các Quỹ bảo lãnh tín dụng (QBLTD). Nhưng muốn các QBLTD đảm đương được nhiệm vụ này thì ngân sách nhà nước phải bổ sung vốn điều lệ và có cơ chế riêng Quỹ theo hướng dễ thở hơn trước như không yêu cầu phải bảo toàn vốn... Trong trường hợp DN vay vốn thông qua QBLTD không trả được nợ cho ngân hàng thì quỹ đứng ra bồi thường khoản đó cho ngân hàng. Chúng ta phải xem đây như là chi phí của nền kinh tế để cứu giúp các DN vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn này. Khi quỹ có nguồn vốn đủ mạnh, có cơ chế đặc biệt, tôi nghĩ, các ngân hàng cũng mạnh dạn cho DN nhất là DNNVV vay vốn nhiều hơn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Với tình hình này, tín dụng năm 2020 sẽ tăng trưởng ở mức nào hợp lý?
Tăng trưởng tín dụng phải dựa trên tăng trưởng GDP. Nếu muốn GDP tăng trưởng ở mức 3-4%, thì tăng trưởng tín dụng gấp 2,5 lần GDP có nghĩa là tăng trưởng tín dụng 7,5-10%. Còn trong trường hợp tăng trưởng GDP thấp hơn thì chúng ta phải hạ tăng trưởng tín dụng xuống vì đẩy tín dụng quá nhiều vào nền kinh tế sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Xin cảm ơn ông!