Lãi suất giảm, kỳ vọng cầu tín dụng tăng
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh dịch Covid còn phức tạp, nhiều quốc gia chủ trương kích cầu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế… những tháng cuối năm các TCTD sẽ giảm lợi nhuận biên, đặc biệt là nhóm các ngân hàng có vai trò dẫn dắt thị trường, để giảm thêm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế và DN phục hồi sau dịch. Mặt bằng lãi suất giảm, cộng thêm dịch bệnh trong nước được kiểm soát khá tốt, nhiều quốc gia trên thế giới đã mở cửa giao thương trở lại sẽ thúc đẩy cầu tín dụng tăng.
Tuần qua, ngân hàng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động từ 0,1% đến 0,4%, tập trung vào các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng. Nhóm bốn NHTM nhà nước lớn là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank giảm lãi suất huy động đến 0,2% ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Đối với kỳ hạn trên 12 tháng, Vietcombank và Agribank đều giảm từ 0,2% - 0,3% so với đầu tháng. Các NHTMCP tầm trung cũng giảm lãi suất huy động, nhất là ở các kỳ hạn dưới 12 tháng.
Lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm mạnh trong thời gian gần đây là do thanh khoản của các NHTM khá dồi dào, trong khi do tác động của đại dịch Covid-19, tín dụng tăng trưởng khá chậm. Đến thời điểm này, nhìn chung tốc độ tăng của huy động vốn của toàn hệ thống đang cao hơn tốc độ tăng của tín dụng, khiến các ngân hàng khá nhiều vốn nhàn rỗi.
Về lãi suất cho vay, từ diễn biến cụ thể gói tín dụng của BIDV có thể thấy lãi suất cho vay giảm dần. Còn nhớ thời điểm tháng 1/2020 BIDV triển khai gói tín dụng trung, dài hạn mới “Đồng hành, vươn xa” với quy mô 10.000 tỷ đồng. Khách hàng có thể chọn một trong các hình thức ưu đãi (tính từ thời điểm giải ngân lần đầu): Lãi suất cho vay từ 5%/năm trong 6 tháng đầu; Từ 8%/năm trong 12 tháng đầu; Từ 8,4%/năm trong 18 tháng đầu; Từ 8,8%/năm trong 24 tháng đầu. Tháng 4/2020 cũng là gói “Đồng hành, vươn xa” nhưng quy mô lên đến 20.000 tỷ đồng và BIDV đưa ra các mức lãi suất cho vay thấp hơn: Từ 7,3%/năm trong 6 tháng đầu; Từ 7,8%/năm trong 12 tháng đầu; Từ 8,2%/năm trong 18 tháng đầu; Từ 8,6%/năm trong 24 tháng đầu tiên; hoặc lãi suất từ 9,3%/năm trong 36 tháng đầu.
Tuy nhiên đến tháng 5/2020, gói tín dụng “Kết nối vươn xa” với quy mô 50.000 tỷ đồng của BIDV có lãi suất cho vay ưu đãi hơn và kỳ hạn linh hoạt hơn: Chỉ từ 6%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc từ 6,5%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng. Đến tháng 8/2020, khi vay vốn của gói “Đồng hành, vươn xa” tại BIDV (quy mô đã được nâng lên đến 40 ngàn tỷ đồng), khách hàng sẽ được hưởng lãi suất từ 8,1%/năm trong 18 tháng đầu; Từ 8,5%/năm trong 24 tháng đầu; từ 9,2%/năm trong 36 tháng đầu.
Không chỉ BIDV mà nhiều NHTM khác như SHB, VPBank… cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của chính các gói tín dụng ưu đãi mà họ đã tung ra trước đó. Như vậy có thể thấy các TCTD đã và đang tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN: tiết giảm chi phí, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.
Sự kiện đặc biệt đáng chú ý tuần qua là hôm 27/8 ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có bài phát biểu về chiến lược mới của Fed. Một trong những chủ trương trong Chiến lược mới của Fed là để lạm phát tăng lên quá cao trong thời gian nhất định (miễn sao trung bình trong dài hạn lạm phát ở mức 2%) nhưng Fed sẽ ít tăng hoặc không điều chỉnh tăng lãi suất. Điều này là đi ngược với phương thức điều hành lãi suất của Fed từ trước đến nay (lạm phát tăng họ sẽ điều chỉnh lãi suất tăng). Thông điệp của Fed là nếu các hộ gia đình và doanh nghiệp kỳ vọng lạm phát tăng, họ sẽ đưa ra các quyết định chi tiêu và đầu tư sớm hơn. Sức chi tiêu bùng nổ sẽ giúp tạo ra việc làm và tăng lực cầu, tạo lực kéo nền kinh tế ra khỏi tình trạng trì trệ hiện nay…
Lâu nay, bất cứ động thái nào của Fed cũng lập tức có tác động chính sách tiền tệ của nhiều nước trên thế giới. Lần này, cũng sẽ không phải là ngoại lệ, đặc biệt là khi chiến lược mới chưa từng được Fed áp dụng trong quá khứ. Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh dịch Covid còn phức tạp, nhiều quốc gia chủ trương kích cầu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế… những tháng cuối năm các TCTD sẽ giảm lợi nhuận biên, đặc biệt là nhóm các ngân hàng có vai trò dẫn dắt thị trường, để giảm thêm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế và DN phục hồi sau dịch. Mặt bằng lãi suất giảm, cộng thêm dịch bệnh trong nước được kiểm soát khá tốt, nhiều quốc gia trên thế giới đã mở cửa giao thương trở lại sẽ thúc đẩy cầu tín dụng tăng.