Dư địa thị trường thực phẩm chế biến sẵn còn rộng mở


Thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn như bánh canh, cháo, miến và các loại gia vị nêm sẵn, sốt mì Ý…

Người tiêu dùng có xu hướng chọn các loại thực phẩm chế biến sẵn - Ảnh Trang Phan
Người tiêu dùng có xu hướng chọn các loại thực phẩm chế biến sẵn - Ảnh Trang Phan

Chị Nguyễn Thị Dung - chủ tiệm tạp hóa Kim Dung (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, vài năm trở lại đây nhu cầu mua các loại thực phẩm đóng gói (chế biến sẵn) như: Bánh canh, cháo, miến, phở và nhiều loại gia vị tẩm ướp sẵn… khá phổ biến.

“Tạp hóa nhà tôi ngày nào cũng có khách hỏi mua khi thì gói mì, hộp miến, khi lại là gói xốt làm mì Ý. Những sản phẩm này bán chạy vì tính tiện lợi, giá cả lại đa dạng, phù hợp với nhiều người tiêu dùng”, bà Dung cho biết.

Khảo sát trên thị trường, hiện nay giá bán của các sản phẩm chế biến sẵn khá đa dạng. Chẳng hạn xốt ướp thịt nướng Cholimex loại 70g giá chỉ 10.000 đồng/gói, gia vị kho cá Cholimex loại 50g giá phổ biến 7.000 đồng/gói, còn xốt mỳ Ý cà chua và thịt Nisshin 260g khoảng 62.000 đồng/gói, xốt mì Ý Nisshin thịt bằm loại 240g giá 45.000 đồng/gói… Đối với các loại đồ ăn đóng gói sẵn như bánh canh, phở, mì gói… cũng có đủ thương hiệu trong và ngoài nước với giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn/ sản phẩm.

Anh Lê Trọng Đôn - Giám đốc điều hành Công ty TNHH sản xuất - thương mại Cà Mèn đánh giá, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn (bao gồm cả thực phẩm đông lạnh, gia vị tẩm ướp) gần đây tăng rõ rệt. Theo đó, trong 2 quý đầu năm 2024 doanh thu bán các sản phẩm như bánh canh cua, bánh cánh cá lóc, bún lươn xào nghệ… của Cà Men tăng đến 70% khi đạt gần 7 tỉ đồng (trong khi cùng kỳ chỉ đạt gần 4 tỉ đồng).

Theo ông Đôn, nhu cầu về sản phẩm chế biến sẵn hiện chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng với dân số chiếm gần 30% cả nước. Trong số này, Đôn dự đoán 20% thật sự có nhu cầu sử dụng sản phẩm chế biến sẵn với khoảng 6 triệu người. “Đây đều là những người bận rộn, có thu nhập khá tốt trở lên. Vì vậy chúng tôi dự báo dư địa của thị trường trong thời gian tới còn khá rộng mở”, ông Đôn chia sẻ.

Cũng nhận định lĩnh vực này còn nhiều dư địa, tận dụng thế mạnh sản xuất những sản phẩm chế biến sẵn từ bột mì đến mì ý khô, xốt mì ý, thực phẩm đông lạnh… ông Takahiko Iwahashi - Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Nisshin Seifun Welna (Nhật Bản) cho biết, năm 2013 doanh nghiệp này đã gia nhập thị trường thực phẩm chế biến tại Việt Nam qua thành lập Công ty TNHH Việt Nam Nisshin Seifun. Đến năm 2018, Nisshin Seifun Welna tiếp tục thành lập thêm Công ty TNHH Việt Nam Nisshin Technomic với mục tiêu hướng tới doanh thu 3,4 nghìn tỉ trong tương lai tại Việt Nam.

Theo ông Takahiko Iwahashi, mới đây nhất, vào ngày 6/9 doanh nghiệp này tiếp tục ra mắt thị trường 3 loại xốt mì ý dạng túi ăn liền, 2 loại xốt nấu cơm và sắp tới là 6 loại bột trộn sẵn. “Nisshin Seifun Welna quyết định thâm nhập thị trường Nam với chiến lược toàn diện. Nguyên nhân do chúng tôi thấy rõ nhu cầu về thực phẩm chế biến sẵn đề cao tính tiện lợi, điều này thể hiện thông qua tỷ lệ các hộ gia đình có hai nguồn thu nhập cao và thường xuyên nấu ăn tại nhà”, ông Takahiko Iwahashi cho biết thêm.

Thực tế, số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường công bố gần cũng cho thấy, ngành thực phẩm chế biến sẵn có quy mô lớn. Trong đó chỉ tính riêng thị trường gia vị, theo báo cáo của Euromonitor thì thị trường này đang có giá trị khoảng 33.500 tỉ đồng. Cũng vì quy mô lớn nên thị trường được nhận định còn rất rộng mở và các doanh nghiệp trong ngành này khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu để ra mắt những dòng sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt.

Theo Báo Công Thương