Phú Quốc vươn mình để trở thành trung tâm du lịch, kinh tế tầm cỡ quốc tế
Với việc liên tiếp lọt vào Top các điểm đến hấp dẫn trên thế giới cũng như việc chính thức trở thành đặc khu thuộc tỉnh An Giang kể từ ngày 1/7, Phú Quốc có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm du lịch và kinh tế tầm cỡ quốc tế.

Lọt top điểm đến cao cấp của Travel + Leisure
Mới đây, Tạp chí du lịch uy tín hàng đầu thế giới Travel + Leisure công bố Giải thưởng Luxury Awards Asia Pacific 2025 (Giải thưởng Du lịch Cao cấp của khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2025). Đây là giải thưởng thường niên của Travel + Leisure, tôn vinh các điểm đến cao cấp nổi bật tại khu vực được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Để được vinh danh, điểm đến phải đạt tiêu chuẩn cao cấp từ chất lượng dịch vụ, hệ sinh thái nghỉ dưỡng - giải trí, đến dấu ấn thương hiệu và mức độ cá nhân hóa mọi trải nghiệm cho khách hàng.
Tại hạng mục Những hòn đảo tuyệt vời nhất khu vực, Phú Quốc là đại diện duy nhất của Việt Nam được xướng tên, đứng thứ 3 trong Top 10, sau Bali (Indonesia) và Koh Samui (Thái Lan) – 2 cái tên đã quá quen thuộc với du khách quốc tế. Thành tích này nối dài chuỗi thắng lợi của đảo Ngọc trên các bảng xếp hạng quốc tế trong 2 năm trở lại đây.
Phú Quốc là hòn đảo có diện tích lớn nhất ở nước ta, nổi tiếng với các bãi biển đẹp như Bãi Kem, Bãi Sao. Ngoài cảnh quan thiên nhiên, đảo Ngọc còn được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam do sở hữu nhiều hệ sinh thái giải trí mang tính biểu tượng, các trải nghiệm văn hóa - lịch sử thú vị, những lựa chọn nghỉ dưỡng đa dạng từ bình dân đến siêu sang.
Du lịch của Phú Quốc ghi những dấu ấn tăng trưởng vượt bậc. Năm 2004 chỉ có trên 130 nghìn lượt khách du lịch, thì cuối năm 2023, Phú Quốc đón khoảng 5,57 triệu lượt khách du lịch, tăng 42,7 lần năm 2004; trong đó khách quốc tế trên 560 nghìn lượt, chiếm 4,48% cả nước (năm 2023 cả nước đón 12,8 triệu lượt khách quốc tế).
Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Phú Quốc ước đón gần 4,5 triệu lượt khách (tăng 33,3% so với cùng kỳ, đạt 61,1% kế hoạch năm). Trong đó riêng khách quốc tế ước đón gần 900 nghìn lượt lượt khách (tăng 76,7% so với cùng kỳ) và tổng thu đạt khoảng 21.588 tỷ đồng (tăng 92,6% so với cùng kỳ).
Chỉ trong 3 năm 2021 - 2023, Phú Quốc đã gia tăng 15% về số lượng khách sạn 5 sao. Với sự xuất hiện của JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay vào năm 2016 - khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên của đảo, chỉ sau 10 năm, đảo này đã có khoảng 45 khu nghỉ dưỡng 5 sao đang hoạt động, được vận hành bởi các thương hiệu quốc tế hàng đầu như Marriott, Hilton, Accor, Rosewood…
PGS., TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định: Tần suất nhận được các giải thưởng, danh hiệu của Phú Quốc hiếm nơi nào bằng. Trong 10 năm trở lại đây, số giải thưởng liên tục mà đẳng cấp rất cao.
“Điều đó xác nhận thực lực, trình độ của Phú Quốc, cũng như xác nhận quyết tâm của đất nước để cho Phú Quốc vươn lên trong cuộc đua tranh toàn cầu, mà đua tranh này để vươn lên hạng nhất rất nhanh, chứ không phải chỉ đua tranh vươn lên từng bước một”, ông Thiên nói.
Vươn tầm đẳng cấp
Từ ngày 1/7/2025, Phú Quốc chính thức trở thành đặc khu trực thuộc tỉnh An Giang - bước ngoặt quan trọng đưa hòn đảo này lên một tầm cao mới. Đặc khu được áp dụng các cơ chế, chính sách đột phá về đầu tư, tài chính và hành chính, từ đó thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững và toàn diện. Chính quyền đặc khu được trao quyền tự chủ cao hơn trong quản lý đất đai, xây dựng, an sinh xã hội… tạo điều kiện để tổ chức bộ máy hành chính gọn nhẹ, gần dân, sát thực tiễn, giải quyết hiệu quả các thủ tục, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Đặc khu Phú Quốc sẽ giữ vai trò chiến lược trên nhiều lĩnh vực: Là trung tâm kinh tế biển, đầu tàu phát triển du lịch, điểm thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, với hệ thống hạ tầng đồng bộ gồm sân bay quốc tế, cảng biển và mạng lưới giao thông kết nối liên vùng, Phú Quốc là điểm kết nối then chốt giữa Việt Nam với ASEAN và các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới.
Hòn đảo này sẽ là trở thành điểm đến thứ 3 của Việt Nam đăng cai Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2027.

Đáng chú ý nhất là dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cánh cửa đón thế giới đến với đảo Ngọc, với tổng mức đầu tư là 22.000 tỷ đồng. Một nhà ga VIP riêng biệt sẽ được xây dựng, với các tiêu chuẩn cao nhất dành cho lãnh đạo cấp cao, nguyên thủ quốc gia và các sự kiện ngoại giao quan trọng. Cùng với đó, Hãng hàng không Sun PhuQuoc Airways cũng sẽ đồng hành phục vụ APEC 2027, đảm bảo kết nối thuận tiện, đẳng cấp cho các đoàn đại biểu quốc tế…
Phú Quốc cũng chuẩn bị đón sự đổ bộ của loạt thương hiệu nghỉ dưỡng “siêu sang” tại đảo Hòn Thơm, với những khách sạn “flagship” như The Luxury Collection Hon Thom, Rixos Phu Quoc, Ritz Carlton Reserve Hon Thom… hứa hẹn hút những tệp khách du lịch giàu có nhất thế giới. Trong đó đáng chú ý là Ritz Carlton Reserve là thương hiệu đẳng cấp cao nhất của The Ritz Carlton với chỉ 7 resort (bao gồm cả khu nghỉ dưỡng tại Hòn Thơm) trên toàn cầu, hay The Luxury Collection tọa lạc tại Tòa tháp Khát vọng - được kỳ vọng trở thành một tòa nhà cánh buồm thứ 2 của thế giới.
Những cơ hội này không chỉ tạo đà để đưa Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch và kinh tế tầm cỡ quốc tế, mà còn mang lại giá trị bền vững cho du khách tìm kiếm trải nghiệm đẳng cấp; cũng mở ra triển vọng cho các nhà đầu tư đón đầu tiềm năng tăng trưởng.