Dự kiến tăng 650 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt/năm từ game online
(Tài chính) Theo tính toán của Tổng cục Thuế, nếu áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh trò chơi trực tuyến (game online) 10% thì dự kiến số thuế tiêu thụ đặc biệt thu được trên 650 tỷ đồng/năm.
Game online mới xâm nhập vào nước ta hơn chục năm, hiện nay trên thị trường có khoảng hơn 50 DN cung cấp game online, với tổng vốn điều lệ khoảng trên 1.100 tỷ đồng. Tổng doanh thu của các DN này đạt tới trên 7.000 tỷ đồng.
"Số người chơi game online luôn tăng trong các năm trở lại đây (năm 2009 tỷ lệ tăng trưởng số người chơi là 42,32%; năm 2010 là 14,07%, năm 2011 là 6,14% và năm 2012 là 8,14%). Hiện nay theo ước tính Việt Nam có khoảng 10 triệu người chơi game trực tuyến, người chơi chủ yếu là giới trẻ nhất là học sinh phổ thông và sinh viên (khoảng 70%)”- Tổng cục Thuế phân tích.
Ngoài những tác dụng của trò chơi điện tử trực tuyến trong việc phát triển trí não của trẻ nhỏ thì có rất nhiều loại trò chơi bạo lực tác động không tốt đến đời sống xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Việc chơi nhiều game online dẫn đến nghiện chơi game sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh tế gia đình, chất lượng học tập sa sút, có hành động mang tính bạo lực, sự hình thành nhân cách trong quá trình phát triển của thanh thiếu niên có thể bị ảnh hưởng...
Chính vì vậy, tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (Luật thuế TTĐB) do Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức tại TP. Vũng Tàu mới đây, đã có nhiều ý kiến đề xuất đưa game online vào đối tượng chịu thuế TTĐB do “mặt hàng” này có “chưa thật cần thiết cho nhu cầu xã hội, gây ra nhiều tác động xấu, cần ngăn chặn”.
Như vậy, việc đưa dịch vụ game online (trừ các game có nội dung học tập) vào diện chịu thuế TTĐB không những góp phần định hướng tiêu dùng lành mạnh cho giới trẻ vừa tạo thêm nguồn thu đáng kể phục vụ sự phát triển của đất nước.
Bởi từ khi ban hành đến nay, Luật thuế TTĐB của Việt Nam đã qua nhiều lần bổ sung sửa đổi cho phù hợp với chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước trong mỗi giai đoạn phát triển và nhằm hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng một cách hợp lý.