Xu hướng ứng dụng công nghệ trong logistics hàng không trên thế giới và thực trạng ứng dụng tại Việt Nam
Công nghệ 4.0 là từ khóa được tìm kiếm và sử dụng rộng rãi trong những năm trở lại đây. Trong xu thế đó, logistics và logistics hàng không cũng đang ứng dụng những công nghệ mới như dữ liệu số lớn, internet vạn vật, công nghệ AI,… Bài viết nghiên cứu xu hướng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực logistics hàng không hiện nay, từ đó xem xét thực trạng khả năng ứng dụng cho Việt Nam.
Logistics là một thuật ngữ có nguồn gốc từ Hi Lạp - logistikos - phản ảnh môn khoa học nghiên cứu tính quy luật của các hoạt động cung ứng và đảm bảo các yếu tố tổ chức, vật chất và kỹ thuật để cho quá trình chính yếu được tiến hành đúng mục tiêu. Đến nay, logistics đã được mở rộng sang lĩnh vực kinh tế, ứng dụng trong các doanh nghiệp và trở thành một ngành dịch vụ phát triển trên toàn thế giới.
1. Tổng quan về logistisc - logistics hàng không
* Khái niệm logistics
Trên phạm vi rộng, định nghĩa về logistics được đề cập từ giai đoạn tiền sản xuất cho tới khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Theo đó, logistics là quá trình lập kế hoạch, chọn phương án tối ưu để thực hiện việc quản lý, kiểm soát di chuyển và bảo quản có hiệu quả về chi phí và ngắn nhất về thời gian đối với nguyên vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm, cũng như các thông tin tương ứng từ giai đoạn tiền sản xuất cho đến khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
* Dịch vụ logistics
Theo Luật Thương mại Việt Nam năm 2005: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”. Theo khái niệm này, dịch vụ logistics tương tự như dịch vụ giao nhận hàng hóa, tuy nhiên đã được mở rộng cho “các dịch vụ khác liên quan tới hàng hóa”.
* Logistics hàng không
Logistics hàng không là dịch vụ logistics, trong đó có sự tham gia của vận tải hàng không, hoặc/và vận tải hàng không đóng vai trò chủ đạo về vận tải trong chuỗi cung ứng đó. Với quan điểm như vậy, bài viết xem xét hoạt động logistics hàng không bao gồm tất cả những dịch vụ phục vụ hàng hóa có liên quan tới vận tải hàng không. Đối tượng tham gia vào dịch vụ logistics hàng không này bao gồm các hãng hàng không, các nhà vận chuyển tích hợp, các công ty giao nhận, các doanh nghiệp cảng hàng không, các công ty phục vụ hàng hóa hàng không, cơ quan quản lý hàng không quốc gia, quốc tế…
* Đặc điểm của logistics hàng không
Vận tải hàng không là một phương thức vận tải tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Do đặc thù riêng nên thời gian để chuẩn bị cho quá trình vận tải thường phức tạp, kéo dài và có sự tham gia của nhiều đối tượng hơn so với các phương thức vận tải khác. Logistics hàng không có một số đặc điểm như sau:
- Tốc độ vận chuyển cao, thời gian vận chuyển ngắn. Đây là ưu điểm rất lớn của ngành Hàng không, đặc biệt phù hợp với điều kiện thương mại điện tử bùng nổ trên toàn cầu, khi mà mọi người đều muốn mua hàng và nhận được nhanh chóng.
- Giá cước vận chuyển cao, hàng hóa vận chuyển đặc thù (hàng giá trị cao, hàng tươi sống, hàng thời trang, thuốc, vật phẩm y tế,…)
- Tính an toàn và mức độ tin cậy cao so với các phương thức khác.
- Khả năng chuyên chở bị giới hạn cả về trọng tải và kích thước hàng hóa, đồng thời kích cỡ container chứa hàng cũng khác nhau tùy theo các dòng máy bay sử dụng.
- Quá trình tổ chức vận tải phức tạp do những qui định về đảm bảo an toàn, an ninh và qui định riêng của mỗi quốc gia. Logistics hàng không đòi hỏi thủ tục về giấy tờ phức tạp hơn nhiều so với các phương thức khác.
- Thiếu sự liên hệ với khách hàng cuối cùng: vận tải hàng không là phương thức vận tải có tính triệt để thấp, phải kết hợp với phương thức vận tải khác để hoàn thiện quá trình vận chuyển.
* Quá trình thực hiện logistics hàng không
Quá trình thực hiện logistisc hàng không có thể mô tả theo qui trình như sau:
Bước 1: Hàng hóa được các chủ hàng gửi cho các công ty (nhà) giao nhận hàng (freight forwarder)
Bước 2: Các công ty giao nhận sau khi gom hàng sẽ vận chuyển tới cảng hàng không sân bay.
Bước 3: Tại cảng hàng không sân bay đi, hàng hóa được làm các dịch vụ hàng hóa hàng không, chuẩn bị cho việc xuất khẩu hàng hoặc vận chuyển nội địa.
Bước 4: Hàng hóa được hãng hàng không/tổng đại lý khai thác hàng hóa vận chuyển tới sân bay đích.
Bước 5: Tại cảng hàng không sân bay đến, hàng hóa được làm các dịch vụ hàng hóa hàng không, cho phép hàng nhập khẩu hoặc tiếp nhận hàng vận chuyển nội địa.
Bước 6: Hàng được vận chuyển về các công ty giao nhận.
Bước 7: Hàng hóa được giao cho các chủ hàng.
2. Xu hướng ứng dụng công nghệ trong logistics hàng không trên thế giới
Trong 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của Covid-19 nên lĩnh vực logistics chịu tác động rất lớn, khi mà nhu cầu vận chuyển tăng cao nhưng lại có rất nhiều rào cản đã làm giới hạn về năng lực vận chuyển. Đặc biệt, đối với vận tải hàng không mức cung ứng tải vận tải hàng hóa bị giảm mạnh, do các quốc gia đóng cửa đường bay, các hãng hàng không hủy chuyến. Mặc dù vậy, xu hướng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực logistics đã có từ trước khi có dịch bệnh Covid đến nay vẫn tiếp tục được triển khai mạnh mẽ nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, thích ứng với các lĩnh vực khác và giảm chi phí cho chuỗi cung ứng. Trong lĩnh vực logistics hàng không, xu hướng ứng dụng công nghệ được ghi nhận thông qua các báo cáo như Sách trắng về cơ sở vận tải hàng hóa trong tương lai của IATA hoặc Giải thưởng cho đổi mới trong lĩnh vực vận tải hàng hóa hàng không, có thể tóm tắt một số ứng dụng cụ thể như sau:
* Chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics hàng không
Chuyển đổi số là việc triển khai một loạt những thay đổi về công nghệ và con người, để tái cấu trúc cách thức hoạt động, từ đó tạo ra những cơ hội và giá trị mới cho doanh nghiệp. Quá trình thực hiện chuyển đổi số có nền tảng từ số hóa cơ sở dữ liệu, số hóa qui trình. Đồng thời trên cơ sở vận dụng điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo để tiến hành xây dựng nền tảng chia sẻ dữ liệu đã được số hóa, từ đó cho phép người dùng truy cập, trải nghiệm sản phẩm, quy trình,… nhằm hướng tới tối ưu hóa hoạt động. Việc số hóa dữ liệu và qui trình là cơ sở ban đầu của việc chuyển đổi số, phần lớn doanh nghiệp đã triển khai, hoàn thành công việc này. Tuy nhiên, ứng dụng để thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics hàng không đang từng bước được triển khai và ghi nhận những hiệu quả đem lại.
- Tại Đức, nơi vận tải hàng hóa hàng không có sự phát triển vượt trội do nhu cầu và khả năng đáp ứng, các doanh nghiệp đã thiết lập một nền tảng số hóa. Với sự tham gia của 7 hãng vận tải gồm Etihad Cargo, Nippon Cargo, El Al Cargo, Finnair Cargo, Lufthansa Cargo, AirBridge Cargo và CargoLogicAir, nền tảng này cho phép các hãng hàng không và các nhà vận tải, doanh nghiệp giao nhận được chủ động lựa chọn, booking trên các tàu bay chở hàng, tiến tới trải nghiệm thực tế, tối ưu quá trình, tối ưu sản phẩm logistics hàng không.
- Tại Anh, hệ thống quản lý vận tải hàng hóa hàng không Hermes đã phát triển phiên bản thứ 5, trên nền tảng công nghệ đám mây, cho phép cải thiện quy trình quản lý dịch vụ, thực hiện nghiệp vụ kế toán doanh thu, tự động hóa quy trình, tránh lỗi dịch vụ trong các hoạt động tại sân bay, giúp công ty xử lý các tình huống phát sinh tại các sân bay có tham gia trên hệ thống.
* Tự động hóa trong vận hành, khai thác, quản lý dịch vụ logistics hàng không
Bên cạnh việc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý hoạt động, một xu hướng khác về ứng dụng công nghệ trong logistics nói chung và logistics hàng không nói riêng, đó là tự động hóa, sử dụng robot trong các hoạt động vận hành, khai thác.
- Trong công tác soi chiếu an ninh tại các cảng hàng không sân bay, người ta sử dụng những máy soi chiếu công suất lớn, cho phép soi chiếu toàn bộ lô hàng, đồng thời kết nối hệ thống màn hình kiểm soát an ninh và hệ thống thông tin hàng hóa, cho phép kiểm tra đối chiếu mà không cần thực hiện trực tiếp bởi con người. Việc này đã hỗ trợ rất nhiều trong việc nâng hiệu suất hoạt động và giảm bớt tác động của con người trong qui trình.
- Các robot được sử dụng trong công tác làm hàng đối với hàng nguy hiểm, hàng dễ vỡ, hàng quá khổ quá tải hoặc xử lý hàng hóa chất nguy hiểm khi gặp sự cố,… Đây là những ứng dụng mới nhất về công nghệ robot trong logistics hàng không. Bên cạnh đó, ý tưởng sử dụng xe tự hành trong khu bay, thiết bị bay không người lái (drone) trong quản lý kho hàng, robot tự động trong di chuyển hàng trong kho,… cũng đang được một số sân bay triển khai.
- Công nghệ tự động còn được sử dụng trong hệ thống phân loại hàng hóa có tích hợp với hệ thống giá kệ trong kho hàng không, việc này cho phép phân khu hàng hóa, quản lý vị trí lô hàng.
Với những ứng dụng về tự động hóa và robot trong vận hành, các doanh nghiệp logistics đang ngày càng tối ưu hóa quá trình hoạt động, đáp ứng yêu cầu về mức độ chính xác cao, thời gian thực hiện được rút ngắn, an toàn cho hàng hóa.
* Ứng dụng công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng mặt trời trong xây dựng hệ thống logistics xanh
Một trong những giải thưởng về đổi mới trong logistics hàng không đó là sử dụng ULD thông minh (ULD - Unit Load Devices - thiết bị chất tải sử dụng trong hàng không). Hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không thường là hàng giá trị cao, nhạy cảm với điều kiện vận chuyển như nhiệt độ, độ ẩm. Việc ứng dụng ULD thông minh, là ULD thông thường được trang bị thêm thiết bị cảm ứng có kết nối với hệ thống quản lý, cho phép ghi nhận thông tin về điều kiện của hàng hóa vận chuyển. Hàng hóa từ khi được đóng vào ULD, chuyển tới sân bay, thực hiện vận chuyển trên đường bộ hay đường không, ở trong kho hay trên sân đỗ tàu bay, sẽ luôn được theo dõi về tình trạng lô hàng, gồm cả nhiệt độ và độ ẩm. ULD thông minh không chỉ cho phép kiểm tra vị trí lô hàng, mà còn cho biết tình trạng hàng, từ đó người dùng có thể đưa ra giải pháp xử lý thích hợp nếu có vấn đề phát sinh.
ULD thông minh được coi là một đổi mới quan trọng trong logistics hàng không, khi nhu cầu vận chuyển đối với hàng hóa nhạy cảm như vaccin, đồ tươi sống, hoa,… ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc ứng dụng ULD thông minh đòi hỏi chi phí tăng thêm. Vì vậy, ý tưởng để khắc phục hạn chế này là sử dụng tấm năng lượng mặt trời gắn vào ULD. Giải pháp này sẽ sử dụng năng lượng của mặt trời trong quá trình theo dõi hoạt động của ULD. Đây cũng được coi là một ứng dụng hướng thân thiện môi trường, hướng đến xây dựng chuỗi logistics xanh theo xu hướng hiện nay.
Trên đây là một số ứng dụng công nghệ mới được ghi nhận trong logistics và logistics hàng không. Đứng trước yêu cầu đổi mới để phù hợp với nền kinh tế toàn cầu, mỗi lĩnh vực đều cần có sự thay đổi để thích ứng và phát triển. Những ứng dụng này đã phần nào hỗ trợ ngành Hàng không trong điều kiện ảnh hưởng của Covid, khi mà nhu cầu vận tải hàng hóa tăng cao, đặc biệt với chuỗi cung ứng vaccin trên toàn cầu.
3. Thực trạng ứng dụng công nghệ trong logistics hàng không tại Việt Nam
Trước sự chuyển đổi mạnh mẽ của thế giới về công nghệ logistics và logistics hàng không, tại Việt Nam đã có những bước triển khai từ Chính phủ tới các doanh nghiệp. Ngày 03/06/2020 Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu cơ bản đến năm 2025, định hướng Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI) và thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII). Bộ Giao thông Vận tải cũng đã ban hành Quyết định số 2269/QĐ-BGTVT ngày 08/12/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số Bộ Giao thông Vận tải đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ hình thành cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành Giao thông Vận tải. Như vậy, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành của Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đổi mới, ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực, trong đó có logistics. Để cụ thể hóa các giải pháp, hiện nay, Chính phủ đã đưa vào sử dụng Cổng Thông tin một cửa quốc gia, cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua một hệ thống tích hợp.
Tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nơi có 2 trung tâm xử lý hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, cơ quan hải quan đã áp dụng Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Kết quả là hệ thống đạt được tỷ lệ xử lý tự động ổn định trên 99,5%; thời gian thông quan cho mỗi lô hàng trung bình dưới 10 phút.
Đối với các doanh nghiệp, hiện nay, việc số hóa cơ sở dữ liệu đã được thực hiện một phần, tuy nhiên những bước tiếp theo như số hóa qui trình, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật,… còn đang được thực hiện với mức độ khác nhau.
Tại ga phục vụ hàng hóa của Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn và Công ty TNHH Nhà ga hàng hóa ALS tại Nội Bài đang áp dụng phần mềm quản lý hàng hóa hàng không Hermes Cargo. Với thiết bị cầm tay đa chức năng, hệ thống giám sát kho hàng thông minh và giám sát theo thời gian thực của Hermes, công tác phục vụ hàng hóa hàng không được kiểm soát tốt hơn, tiết kiệm thời gian hơn và từng bước tiến tới mô hình theo tiêu chuẩn quốc tế. Sử dụng hệ thống Hermes đảm bảo giảm thiểu rủi ro, đảm bảo thời gian xử lý đơn hàng, tăng tốc quá trình thu thập thông tin, nâng cao khả năng giám sát dịch vụ, hỗ trợ đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống của hãng hàng không và hải quan, cũng như tạo ra môi trường kết nối hiệu quả giữa các bên tham gia.
Như vậy, ngành Hàng không Việt Nam cũng đang dần bắt kịp xu hướng ứng dụng công nghệ trên thế giới. Tuy nhiên do đặc thù chưa có doanh nghiệp vận tải hàng hóa chuyên biệt cũng như chưa có trung tâm xử lý hàng hóa qui mô lớn, các doanh nghiệp logistics hàng không còn nhỏ lẻ, qui mô nhỏ,… nên các ứng dụng trong lĩnh vực logistics hàng không bị hạn chế. Trong tương lai, để thích ứng với sự thay đổi của logistics toàn cầu, việc đổi mới, ứng dụng công nghệ mới là nhu cầu tất yếu, Chính phủ cũng như các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị và đầu tư để đáp ứng được yêu cầu.
4. Kết luận
Trong xu thế phát triển của nền kinh tế nói chung và dịch vụ logistics nói riêng, Việt Nam cũng đang từng bước nỗ lực để hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics của mình. Là một phần trong chuỗi cung ứng, logistics hàng không nắm giữ vai trò quan trọng nhờ vào đặc điểm tốc độ cao, thời gian vận chuyển ngắn, đáp ứng được yêu cầu vận chuyển của các loại hàng hóa đặc biệt, hàng nhạy cảm, thuốc và chế phẩm sinh học,… Vận tải hàng hóa hàng không Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, một phần do chúng ta nằm trong khu vực tăng trưởng mạnh về hàng không trên thế giới. Để có thể đáp ứng được nhu cầu trong tương lai, đồng thời thích ứng với sự thay đổi của chuỗi logistics toàn cầu, việc nghiên cứu và lựa chọn các ứng dụng công nghệ phù hợp là hết sức cần thiết.
Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Giao thông vận tải (ĐH GTVT) trong đề tài mã số T2021-KT-013
Tài liệu tham khảo:
- IATA. (2019). White Paper: The Cargo Facility of the Future. Retrieved from: https://www.iata.org/contentassets/95ea6854c763444d9a6f46004e46c374/stb-cargo-white-paper-cargo-facility-future.pdf?__cf_chl_managed_tk__=kQIJKRHNU0KG_B2Vs96SRdQBxX3srbmfYjlxyUoGGRY-1640061960-0-gaNycGzNCJE
- Michael Sales. (2016). Aviation Logistics - The dynamic partnership of air freight and supply chain. US: Kogan Page.
- Bộ Công Thương (2019, 2020). Báo cáo logistics Việt Nam.
- Peter S.Morrell. (2011). Moving Boxes by Air - The Economics of International Air Cargo. UK: Ashgate Publishing.