Du lịch nội địa - chìa khóa gỡ khó cho doanh nghiệp
Diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 thứ tư trên địa bàn Thủ đô đặt ra nhiều thách thức, khó khăn đối với ngành du lịch trên địa bàn Hà Nội cũng như đối với các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước.
Ngưng trệ đa ngành, lĩnh vực
Ngành Du lịch Việt Nam đang hứng chịu tác động mạnh nhất từ trước đến nay, thiệt hại ước tính đã lên tới 23 tỷ USD, khoảng 40 - 60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công.
Bức tranh kinh tế du lịch khởi sắc năm 2019 với hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, doanh thu trên 32 tỷ USD, đóng góp trực tiếp 9,3% GDP và gián tiếp tới gần 18% GDP cho thấy Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã tập trung phát triển du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, trước làn sóng Covid-19 thứ tư, 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt 10-15%.
Hệ thống lưu trú, khách sạn, hàng không ngưng trệ liên tục bởi lượng khách quốc tế giảm, dù cuối năm 2020 du lịch nội địa đã có những tín hiệu tích cực, nhưng mức độ phục hồi chậm và hạn chế. Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với 126.565 doanh nghiệp cho thấy có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch Covid-19 trong đó ngành dịch vụ chịu tác động mạnh nhất như hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch là 95,7%.
Dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 nhu cầu du lịch của hành khách có xu hướng tăng, các đơn vị đặt tour nội địa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã mở booking cho lữ khách từ sau khi đợt dịch Covid-19 thứ ba được kiểm soát. Tuy nhiên, làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở địa bàn Thủ đô, khiến nhiều hành khách quyết định chuyển hướng, chủ động chuyển tour sang thời gian khác, thậm chí hủy tour nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và xã hội.
Theo các công ty du lịch Hà Nội, thời điểm này, khá nhiều đoàn đổi chuyến sang thời điểm xa hơn, có đoàn hủy tour. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nếu dịch bệnh chưa thể kiểm soát tốt. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu xảy ra tình trạng này, các doanh nghiệp bình tĩnh xử lý tình huống phát sinh, khách hàng cũng thông cảm và chia sẻ cùng doanh nghiệp.
Công ty Du lịch Vietravel - Chi nhánh Hà Nội chủ động ngưng các tour đến địa phương đang có dịch Covid-19, thời gian tạm dừng dự kiến đến hết tháng 5.2021 hoặc cho đến khi tình hình dịch bệnh ở địa điểm này được kiểm soát tốt.
“Tự làm mới chính mình”
Đại dịch Covid-19 có thể xem là thách thức nhưng cũng là một yếu tố để các doanh nghiệp lữ hành xem lại cách thức, phương thức hoạt động của mình. Cần phải giải quyết đồng thời 2 thách thức: Nhân lực du lịch thu hẹp bởi hậu quả của dịch Covid-19 và chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, ứng dụng thương mại điện tử. Đây được xem là mấu chốt để giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động phát triển chung với dịch bệnh.
Du lịch an toàn đang trở thành xu hướng song song cùng du lịch nội địa với mức thu từ khách nội địa chiếm 41 - 44% trong cơ cấu tổng thu toàn ngành. Có thể thấy, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tiếp tục khẳng định nhất quán vị trí vai trò của du lịch nội địa trong sự phát triển của ngành du lịch với quan điểm “Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa; đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam".
Hà Nội chung sức với ngành du lịch
Hiệp hội Du lịch Hà Nội hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên xử lý tình huống trong hoạt động du lịch, nhất là tình huống phát sinh khi khách hoãn, hủy tour. Hiệp hội đề nghị doanh nghiệp đề xuất vướng mắc về vé máy bay, khách sạn, điểm đến. Trên cơ sở đó, Hiệp hội sẽ có văn bản gửi các cơ quan, tổ chức liên quan để kịp thời tháo gỡ. Hiệp hội triển khai đến hội viên các văn bản liên quan đến chính sách du lịch trong thời điểm hiện nay.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, mặc dù dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch trên địa bàn Thủ đô, nhưng ngành du lịch vẫn chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch phục hồi ngay khi dịch được kiểm soát.
Cụ thể, trong kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021, ngoài việc đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về du lịch; kiểm tra các đơn vị kinh doanh du lịch đăng ký và đăng nhập đánh giá an toàn Covid-19 theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bên cạnh đó, Sở sẽ triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; tham mưu thành phố các nội dung liên quan đến việc tổ chức Lễ hội quà tặng du lịch 2021, Lễ hội áo dài năm 2021 khi dịch Covid-19 được kiểm soát.