Phát triển bền vững kinh tế du lịch An Giang và những vấn đề đặt ra

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2021

Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang phát triển theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch. Trong đó, với vị trí tương đối thuận lợi và một nguồn tài nguyên du lịch phong phú, tỉnh An Giang có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ chốt trong cơ cấu kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bài viết đánh giá tiềm năng, thực trạng phát triển kinh tế du lịch ở An Giang, qua đó đề xuất giải pháp phát triển kinh tế du lịch của Tỉnh trong thời gian tới.

Tiềm năng phát triển kinh tế du lịch ở An Giang

An Giang nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giữa hai dòng sông Tiền, sông Hậu, thuộc hệ thống sông Mekong. Phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ, phía Tây Bắc giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 95,05 km. An Giang là vùng đất của sông nước hữu tình hơn 2.500 km đường thủy, đặc biệt những sông lớn bao quanh các cù lao, bên cạnh có những kênh rạch nổi tiếng như: Vĩnh Tế, Thoại Ngọc Hầu và các kênh T4, T5, T6... đã tạo điều kiện cho du lịch sông nước An Giang phát triển.

Bên cạnh đó, An Giang được thiên nhiên ưu đãi có nhiều núi tạo nên phong cảnh du lịch hấp dẫn như: Núi Sam, Núi Cấm, Núi Cô Tô, Núi Két, Núi Sập... Những ngọn núi này không chỉ là cảnh đẹp thiên nhiên mà còn gắn liền với nhiều di tích lịch sử đã khắc sâu vào tâm linh của người dân đồng bằng Nam bộ. Bên cạnh đó, An Giang còn có diện tích rừng khá lớn gần 12.000 ha, đặc biệt rừng tự nhiên ở các núi Phú Cường, Núi Cấm, Núi Cô Tô còn được bảo quản tốt tạo môi trường cho các loài động vật hoang dã về sinh sống.

Ở An Giang từ lâu đã xuất hiện và tồn tại những nghề thủ công và hình thành những làng nghề truyền thống như: nghề mộc chạm trổ ở Chợ Thủ (Chợ Mới); nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa ở Tân Châu; nghề rèn ở Phú Mỹ (Phú Tân); nghề dệt Cù Lao Giêng (Chợ Mới); nghề gạch ngói và đồ gốm ở Châu Thành, Châu Phú;… hay làng nghề nuôi cá bè với mô hình nhà nổi trên sông ở Châu Đốc và Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên).

Đặc biệt, tỉnh An Giang với nhiều về lễ hội phong phú. Cộng đồng các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ An Giang, dân tộc Kinh chiếm đông nhất, người Khmer, người Chăm, người Hoa...  Mỗi dân tộc đều có những nét sinh hoạt văn hóa, lễ hội riêng của mình đã tạo nên sự phong phú về lễ hội tại tỉnh An Giang. Đây cũng chính là yếu tố hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.  

Thực trạng phát triển kinh tế du lịch An Giang

Nhận thức được tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế, An Giang đã đề ra mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là đầu tàu kéo nền kinh tế của tỉnh phát triển trong tương lai. Phát huy tiềm năng phát triển kinh tế du lịch của Tỉnh,  ngành du lịch An Giang đã có những bước tiến vững chắc và đạt được nhiều thành tựu quan trọng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Cụ thể, lượt khách đến các khu, điểm du lịch tăng liên tục trong các năm gần đây. Năm 2019, An Giang đón khoảng 9,2 triệu lượt khách tăng 8,23% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn là 700 ngàn lượt, tăng 7,69% so với cùng kỳ năm 2018; lượt khách lưu trú tại các nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 500 ngàn lượt tăng 42,85% so với cùng kỳ 2018; khách quốc tế ước đạt 120 ngàn lượt tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 14,85% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường khách nội địa cũng ngày càng mở rộng do du lịch An Giang đã dần xây dựng được thương hiệu và khai thác được thế mạnh về du lịch sinh thái và du lịch tâm linh nên lượng khách nội địa luôn cao.

Giai đoạn 2015-2020, với 38 triệu lượt khách du lịch đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch An Giang. Khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn trên 2 triệu lượt; khách quốc tế ước khoảng 380.000 lượt.

Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 21.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ doanh nghiệp du lịch đạt 3.300 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 5,4%); doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch đạt gần 18.000 tỷ đồng. Với số liệu trên, có thể khẳng định An Giang ngày càng được du khách trong và ngoài nước chọn là điểm đến trong hành trình về miền Tây.

An Giang hiện có 97 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 6 khách sạn 3 sao, 7 khách sạn 2 sao, 39 khách sạn 1 sao), 13 công ty lữ hành (11 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 2 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa), 15 địa điểm tham quan.

Trong các điểm du lịch ở An Giang, khu du lịch Núi Sam - Châu Đốc, Núi Cấm - Tịnh Biên, khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư… là nơi có lượng khách du lịch lớn nhất và có xu hướng tăng mạnh. Ngoài ra, còn phải kể đến một số điểm du lịch khác như: Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp, làng dệt thổ cẩm ở Châu Giang, khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng…

An Giang được đánh giá là tỉnh có tiềm năng về du lịch, song hiện tại ngành du lịch còn bộc lộ nhiều hạn chế, cơ sở vật chất hạ tầng các khu, điểm du lịch chưa đựơc đầu tư, quy hoạch đúng mức và chưa xây dựng được các loại hình du lịch hấp dẫn. Tốc độ phát triển chưa thật tương xứng với tiềm năng tài nguyên du lịch sẵn có của địa phương.

Lượng khách lưu trú còn ít, nên hiệu quả kinh doanh du lịch vẫn chưa cao. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến ngành du lịch tỉnh An Giang, các điểm du lịch trong tỉnh đều bị sụt giảm về lượng du khách và doanh thu.

Giải pháp phát triển kinh tế du lịch An Giang 

Trên cơ sở phân tích các tiềm năng thế mạnh du lịch của tỉnh Anh Giang, thực trạng phát triển kinh tế du lịch địa phương, tác giả bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế du lịch An Giang trong thời gian tới:

Thứ nhất, cụ thể hoá đường lối chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch và dịch vụ du lịch, đẩy mạnh việc tuyên truyền; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và huy động vốn trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế du lịch (Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần X (2015 – 2020) đã xác định mục tiêu về phát triển kinh tế được xác định theo “thứ tự ưu tiên: nông nghiệp, thương mại-dịch vụ, công nghiệp, xây dựng.

Trong đó, nông nghiệp và du lịch là hai mũi nhọn, phát triển theo hướng không ngừng nâng cao năng suất; hiệu quả…” và Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (2020-2025) tiếp tục xác định cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang theo hướng “chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch”. Trong đó, kinh tế du lịch được xem là một thế mạnh lâu dài của Tỉnh).

Thứ hai, quy hoạch phát triển du lịch dựa trên lợi thế so sánh, tập trung đầu tư các loại dự án phát triển sản phẩm có tính đặc thù, riêng biệt của An Giang, phát triển đồng bộ các loại hình du lịch tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng. Khai thác nét đặc trưng riêng từng địa phương để phát triển du lịch. Để đạt được mục tiêu này, cần đẩy mạnh xã hội du lịch, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng nói chung và cộng đồng địa phương nói riêng trong việc tiêu thụ sản phẩm du lịch, đồng thời phải đảm bảo sự phân chia lợi ích hợp lý giữa các đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng địa phương, nâng cao đời sống cộng đồng sở tại góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở An Giang.

Thứ ba, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa và phát triển các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch, đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu vui chơi, giải trí.

Giai đoạn 2015-2020, với 38 triệu lượt khách du lịch đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch An Giang. Khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn trên 2 triệu lượt; khách quốc tế ước khoảng 380.000 lượt. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 21.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ doanh nghiệp du lịch đạt 3.300 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 5,4%); doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch đạt gần 18.000 tỷ đồng.

Một trong những mục đích chính của du khách đến Việt Nam nói chung và An Giang nói riêng là để tìm hiểu về lịch sử và nền văn hóa Việt Nam. Do đó, việc đầu tư bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và các lễ hội truyền thống không chỉ có ý nghĩa giáo dục những thế hệ sau về những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động phát triển du lịch.

Để đáp ứng nhu cầu trên, An Giang cần có kế hoạch đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, di tích Cách mạng; xây dựng quy chế quản lý, giữ gìn và kế hoạch tài chính cho tôn tạo, duy tu; quy hoạch, phục hồi và bảo tồn khu di tích cổ, các kiến trúc nghệ thuật, lịch sử; duy trì lễ hội; phục hồi và khuyến khích các làng nghề truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ địa phương.

Thứ tư, tổ chức liên kết hợp tác, phối hợp liên vùng, liên ngành với TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đưa An Giang trở thành trung tâm du lịch của khu vực; có những cơ chế chính sách hợp lý về thuế, về đầu tư, về thị trường và tổ chức quản lý. Kinh nghiệm thực tế trong những năm gần đây cho thấy, vai trò quan trọng của cơ chế chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế du lịch nói riêng. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi Việt Nam đang hội nhập khu vực và trên thế giới.

Thứ năm, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, dịch vụ du lịch. Quảng bá, xúc tiến du lịch và dịch vụ du lịch là giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao nhận thức về du lịch, dịch vụ du lịch trong các cấp, các ngành và nhân dân; tạo lập và nâng cao hình ảnh du lịch về địa phương đối với trong và ngoài nước, đưa , qua đó nhằm thu hút khách du lịch và đầu tư du lịch. Chính vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh du lịch và con người An Giang, xúc tiến về tiềm năng sản phẩm du lịch của lễ hội, của địa phương.

Cảnh quan thiên nhiên phong phú, khí hậu ôn hòa, phong tục - tập quán và văn hóa - truyền thống phong phú, độc đáo, lại là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, tham quan và du lịch hành hương; những nét đặc sắc riêng của thiên nhiên, vừa có đồng bằng vừa có rừng núi, có tài nguyên khoáng sản, di tích lịch sử lâu đời mang dấu ấn của một nền văn minh lúa nước cổ xưa… đã tạo điều kiện thuận lợi để An Giang phát triển du lịch.

Phát huy những lợi thế vốn có về kinh tế du lịch, tiếp nối những thành tựu đã đạt được và có những chính sách, giải pháp hợp lý mang tính đột phá, kinh tế du lịch An Giang hoàn toàn có thể phát triển bền vững trong tương lai; Trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh và của cả khu vực.         

Tài liệu tham khảo:

Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, 2017;

Tỉnh ủy An Giang, Ban Tuyên giáo (2020), Tài liệu hỏi – đáp Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ An Giang lần thứ XI, trang 12;

Tỉnh ủy An Giang (2015), Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, Lưu trữ văn phòng Tỉnh ủy An Giang, trang 42;

Trần Đức Thanh (2005), Sự phát triển du lịch dưới đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 2, tr 20,21.