Du lịch tăng trưởng tạo đòn bẩy phát triển cơ sở lưu trú
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, với sự phát triển nhanh của du lịch hiện nay, đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển cơ sở lưu trú.
Tại một cuộc toạ đàm về phát triển du lịch mới đây, ông Hà Văn Siêu đưa ra số liệu vô cùng ấn tượng về du lịch Việt Nam những năm qua và triển vọng năm tới. Theo đó, năm 1994, Việt Nam lần đầu tiên đón 1 triệu lượt khách quốc tế, đến 2015 đón 7,9 triệu và đến 2018 đón 15,5 triệu lượt khách. Sự lớn mạnh của ngành du lịch đã kích thích đầu tư vào bất động sản du lịch, kéo theo nhu cầu mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực lưu trú du lịch.
Khó khăn visa vào Việt Nam
Năm 2018, tăng trưởng khách du lịch Việt Nam là 18%. Đánh giá cao thành công của ngành du lịch, song ông Adam Bury, Phó chủ tịch cấp cao JLL Hotels & Hospitality Group, cũng chỉ ra một số vấn đề.
Việt Nam thu hút được 15 triệu lượt khách trong năm qua, trong khi con số này của Thái Lan là 38 triệu lượt khách. Phần lớn khách du lịch đến Thái Lan chỉ thông qua hai sân bay là Bangkok và Phuket. Trong khi đó, khách đến Việt Nam qua hai sân bay tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cùng với đó là ba điểm đến du lịch là Nha Trang, Phú Quốc và Đà Nẵng, chưa kể còn nhiều điểm khác. "Vậy, tại sao Việt Nam lại đứng sau Thái Lan?", ông Adam Bury đặt câu hỏi.
Theo ông Adam Bury, Việt Nam vẫn còn nhiều giới hạn về thủ tục, logistics. Dễ thấy nhất là vấn đề visa. Du khách làm visa đến Thái Lan rất đơn giản, trong khi Việt Nam khó khăn hơn nhiều. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam khi quay lại vẫn gặp khó khăn về thủ tục.
Về mặt này, sân bay Đà Nẵng là một hình mẫu tốt mà các thành phố khác nên học hỏi. Tại sân bay Đà Nẵng có hẳn một dãy bàn chuyên đóng visa cho du khách, qua đó giúp du khách đặt chân đến Việt Nam dễ dàng hơn.
"Việt Nam đã đầu tư nhiều sân bay, nhưng logistics sân bay vẫn còn nhiều việc phải làm. Nếu cứ mỗi lần vào Việt Nam lại mất cả tiếng đồng hồ thì không ai muốn quay lại", ông Adam Bury chia sẻ.
Bên cạnh đó, doanh thu trên phòng khách sạn Việt Nam thực tế chỉ tăng 11,5% trong năm qua, thấp hơn so với lượng khách du lịch đến Việt Nam. Điều này cho thấy thị trường chưa khai thác hết tiềm năng và tỷ suất lợi nhuận chưa tăng cao như vốn có.
Thúc đẩy cơ sở lưu trú
Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành du lịch, ông Hà Văn Siêu cho rằng sự lớn mạnh của ngành du lịch đã kích thích đầu tư vào bất động sản du lịch, kéo theo nhu cầu mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực lưu trú.
Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng cơ sở lưu trú chủ yếu là khách sạn, resort, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại du lịch tăng lên nhanh chóng. Năm 2011, cả nước có 13.756 cơ sở lưu trú du lịch với trên 256.000 buồng thì tới năm 2018 đã đạt 28.000 cơ sở với 550.000 buồng lưu trú, tốc độ tăng trưởng về quy mô buồng bình quân 12%/năm. Điều này đã tạo ra làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort, biệt thự, căn hộ du lịch… tại các trung tâm du lịch lớn.
Ông Siêu cho rằng với xu hướng dòng khách tiếp tục hướng về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam như ngôi sao đang lên trong ASEAN, có thể lạc quan dự báo về viễn cảnh tăng trưởng du lịch 10 năm tới.
Dự báo đến năm 2020, Việt Nam đón 21 triệu lượt khách quốc tế, đến năm 2025 đón 32 triệu lượt và đến 2030 sẽ đón 47 triệu lượt khách, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 9-11%/năm. Điều đó đồng nghĩa với việc cần tăng cường phát triển các cơ sở lưu trú để đáp ứng cho nhu cầu của du khách.
Theo ông Siêu, nhu cầu đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch sẽ tăng lên, tuy nhiên tính chất, loại hình và địa bàn sẽ thay đổi theo xu hướng nhu cầu của khách du lịch.
Khách du lịch sẽ quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư mở rộng và phát triển thêm nhiều trải nghiệm du lịch, ví dụ dự án bất động sản du lịch sẽ trở thành quần thể và gắn với nhiều tiện ích như casino, thể thao, sự kiện, nghệ thuật…
Ngoài ra, kinh nghiệm du lịch ngày càng được tích lũy, dòng khách tự túc ngày càng nhiều, nhu cầu rất đa dạng. Đây là tín hiệu mà nhà đầu tư cần cân nhắc mở rộng nhiều loại hình lưu trú du lịch, đan xen với cộng đồng dân cư, hòa nhập với văn hóa bản địa.
Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành hàng không và ứng dụng công nghệ trong kinh tế chia sẻ đang làm cho khách du lịch tiếp cận điểm đến thuận lợi hơn. Do đó, đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch đòi hỏi phải tiện ích thông minh, giá thành cạnh tranh và môi trường điểm đến phải thân thiện.
Để có thể đáp ứng cho ngành du lịch phát triển, không chỉ ngành du lịch mà các ngành khác cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng du lịch, phát triển nhiều điểm đến mới. Đồng thời, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, quảng bá thương hiệu điểm đến du lịch nhằm thu hút khách du lịch chất lượng cao quay lại nhiều lần, lưu trú dài ngày.