Dư luận đồng tình cao về cơ chế khoán xe công
Sau một thời gian triển khai thực hiện Quyết định 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng xe ô tô công, đã ghi nhận nhiều mặt tích cực. Kết quả bước đầu cho thấy, cơ chế khoán xe công góp phần tiết kiệm chi ngân sách, được dư luận, nhân dân đồng tình.
Lượng xe phục vụ công tác chung giảm mạnh
Trả lời ý kiến của cử tri về “tình trạng sử dụng xe công lãng phí trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục và đề nghị xem xét, có quy định cụ thể về vấn đề này”, Bộ Tài chính cho biết: Sau một thời gian triển khai thực hiện Quyết định 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng xe ô tô công, đã ghi nhận nhiều mặt tích cực.
Cụ thể các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện rà soát, sắp xếp xe ô tô công hiện có theo định mức quy định. Qua rà soát đã xác định được số xe ô tô được phép sử dụng của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; số xe thừa, thiếu so với tiêu chuẩn, định mức; chấn chỉnh vi phạm trong quản lý, sử dụng xe ô tô; đồng thời, đã ban hành định mức xe ô tô chuyên dùng để có cơ sở trang bị, sử dụng;
Số lượng xe phục vụ công tác chung đã giảm; Xử lý số xe dôi dư thông qua các hình thức điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu, bán, thanh lý thu tiền nộp ngân sách nhà nước…
Kết quả bước đầu cho thấy, cơ chế khoán xe công góp phần tiết kiệm chi ngân sách, được dư luận, nhân dân đồng tình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Quyết định 32/2015/QĐ-TTg còn phát sinh một số vướng mắc như: Tuy số lượng xe phục vụ công tác chung đã giảm, nhưng xe chuyên dùng có xu hướng tăng; Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại một số cơ quan, đơn vị còn có quy định chưa phù hợp.
Chế độ khoán kinh phí sử dụng xe theo cơ chế tự nguyện nên vẫn còn ít chức danh đăng ký áp dụng; một số bộ, ngành, địa phương đã hoặc đang xây dựng phương án để thực hiện nhưng còn mang tính thăm dò, thí điểm; cơ chế quản lý phân tán (từng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng xe) như hiện nay cũng chưa thực sự hiệu quả.
Đến năm 2020 sẽ giảm 30-50% lượng xe công
Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý xe công, khắc phục việc sử dụng xe ô tô công lãng phí và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đánh giá tồn tại, hạn chế của quy định hiện hành, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định 32/2015/QĐ-TTg, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định (tại Tờ trình số 103/TTr-BTC ngày 18/7/2017).
Đồng thời, triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xây dựng Nghị định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô theo hướng:
- Điều chỉnh định mức sử dụng xe ô tô theo định hướng phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng từ 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Quy định việc quản lý, sử dụng xe theo hướng tập trung, giao cho một đơn vị quản lý để bố trí sử dụng đúng tiêu chuẩn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả;
- Quy định chặt chẽ hơn trong việc quản lý, sử dụng xe ô tô trên cơ sở không gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, đặc biệt là xe ô tô chuyên dùng để tránh bị lợi dụng;
- Quy định về chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô bắt buộc đối với một số chức danh và cách xác định mức khoán phù hợp với thực tế của từng Bộ, ngành, địa phương;
- Quy định về xử lý xe dôi dư, sắp xếp đội ngũ lái xe khi cắt giảm xe công.
Với những đổi mới trong chính sách nêu trên sẽ có tác động nhiều đến việc quản lý, sử dụng xe ô tô công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị bảo đảm việc trang bị xe tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước.