Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi): Điều chỉnh quy định chống lãng phí tài sản công
Điểm đáng chú ý lần sửa đổi này đó là Luật tập trung vào vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công.
Đối với sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, dự thảo chỉ quy định các trường hợp có tác động lớn đến nguồn lực xã hội như ma chay, cưới xin, lễ hội... Với các nguồn lực khác, dự thảo chỉ quy định mang tính định hướng, khuyến khích và khuyến cáo, góp phần nâng cao ý thức tiết kiệm trong nhân dân, nhằm bảo đảm tôn trọng quyền sở hữu của các chủ thể.
Theo báo cáo đánh giá thẩm tra của Uỷ ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội, để tạo căn cứ chặt chẽ cho quá trình thực thi thì dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn một số vấn đề.
Ví dụ, số lượng các điều khoản đề nghị giao Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật còn tương đối nhiều (trong đó có 6 điều mới là Điều 24, 29, 39, 47, 52, 56) với các nội dung quan trọng liên quan đến xác định hành vi lãng phí gắn với chế tài xử lý trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, cần quy định cụ thể các vấn đề trên để tạo căn cứ áp dụng và bảo đảm tính cụ thể, minh bạch.
Đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng tính khả thi của Luật hiện hành chưa cao; nhiều quy định còn mang tính hình thức, hiệu lực thực tế thấp, khó đi vào cuộc sống. Để có căn cứ thực hiện và đánh giá được việc thực hiện tiết kiệm hay không tiết kiệm, có lãng phí hay không lãng phí thì phải quy định được các nội dung cơ bản sau: Chế độ, tiêu chuẩn, định mức cụ thể trong quản lý, sử dụng các nguồn lực; trách nhiệm ban hành và tuân thủ quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức của từng tổ chức, cá nhân; biện pháp, chế tài để áp dụng trong trường hợp không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí.
Liên quan đến các cơ chế công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong tiết kiệm, chống lãng phí, một số đại biểu cho rằng, phạm vi các lĩnh vực phải thực hiện công khai được quy định trong Dự thảo Luật còn hẹp. Trong khi đó, để đánh giá chất lượng tiết kiệm, chống lãng phí thì yêu cầu công khai việc sử dụng các nguồn lực là căn cứ quan trọng. Vì vậy, đề nghị rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến sử dụng các nguồn lực công, các văn bản trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng để bổ sung đầy đủ, toàn diện hơn, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, một số ý kiến cho rằng, lãng phí còn biểu hiện ở "việc đưa ra các quyết định gây lãng phí", như quyết định đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa dựa trên các yếu tố bảo đảm tính kinh tế, xã hội, chưa căn cứ vào khả năng thu xếp vốn... Từ đó dẫn đến nhiều công trình đầu tư lãng phí, hiệu quả thấp, nhiều dự án chậm tiến độ vì thiếu vốn; vốn đầu tư bị chôn vào các công trình kém hiệu quả hoặc chậm đưa vào khai thác.
Do vậy, trong Luật cần quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định gây lãng phí; đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm minh trong trường hợp vi phạm.
*Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014.