Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi): Sát với thực tế, bổ sung nhiều nội dung mới
Trao đổi với phóng viên về Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần này, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Đỗ Hữu Lâm cho rằng, Dự thảo Luật đã sát với thực tế, bổ sung nhiều nội dung mới. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của công cuộc xây dựng đất nước, góp phần tích luỹ để thúc đẩy và phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống người dân. Do đó, phải coi tiết kiệm là quốc sách.
Trưởng đoàn Đại biểu
Quốc hội tỉnh Long An
Đỗ Hữu Lâm
Tuy nhiên, việc triển khai Luật vào cuộc sống còn nhiều hạn chế, mới chỉ mang tính dài hạn mà chưa đưa ra được các mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá cụ thể. Bên cạnh đó, các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Luật hiện hành còn chung chung, dàn trải và trùng lắp, chưa bao quát hết các nội dung trong lĩnh vực tiết kiệm, chống lãng phí.
Một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế như như hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chuẩn chế độ trong sử dụng vốn; chưa có quy định cụ thể gây hành vi lãng phí và biện pháp chế tài xử lý; một số quy định của Luật chưa cập nhật với các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian qua…
Tuy nhiên, đưa ra sửa đổi lần này, Ban soạn thảo dự án Luật phải làm thế nào vừa bảo đảm tính kế thừa những điều khoản phù hợp, đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay; phải vừa nghiên cứu toàn diện để sửa đổi, bổ sung kịp thời những quy định cần thiết, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc đặt ra.
Vậy, theo đại biểu, với lần sửa đổi này, dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay không?
Dự thảo Luật sửa đổi lần này theo tôi là sát với thực tế. Dự thảo luật đã được bổ sung nhiều nội dung mới, nhiều vấn đề đã được cụ thể hóa hơn so với Luật hiện hành. Tuy nhiên để dự thảo Luật có tính khả thi, áp dụng được vào thực tiễn thì nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng mục tiêu sửa đổi. Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, cần phải có các quy định rõ về chế độ, chi tiêu định mức cụ thể trong quản lý sử dụng nguồn lực; trách nhiệm ban hành và tuân thủ quy định về chế độ; tiêu chuẩn định mức của từng cá nhân; biện pháp chế tài tương xứng mang tính răn đe để áp dụng trong từng trường hợp không thực hiện nghiêm Luật. Dự thảo Luật lần này cũng chỉ mới có 1 điều quy định về phát hiện lãng phí, trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí và 1 điều về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đó cũng chỉ là quy định những nội dung mang tính nguyên tắc chung. Dự thảo cần làm rõ hơn về các vấn đề này.
Có ý kiến cho rằng, nên bổ sung nguyên tắc hạn chế tối đa việc thành lập quỹ ngoài ngân sách Nhà nước vào dự thảo luật để bảo đảm hiệu quả quản lý, vì bản thân ngân sách Nhà nước đã là quỹ tập trung. Thưa đại biểu, đây có phải là biện pháp khả thi để hạn chế sự lãng phí như hiện nay?
Tôi đồng ý với ý kiến cần hạn chế quỹ ngoài ngân sách nhà nước, bởi ngân sách nhà nước đã là quỹ tiền tệ tập trung của nhà nước. Việc thành lập quỹ ngoài ngân sách hiện nay thường không có quy chế quản lý tài chính thống nhất, công tác kiểm tra, giám sát như có bao nhiêu quỹ, vốn của mỗi quỹ là bao nhiêu, các quỹ này hoạt động ra sao, kết quả mang lại như thế nào chúng ta cũng không quản lý hết được, đây là kẽ hở cho tham nhũng, lãng phí. Do vậy, việc hạn chế thành lập các quỹ ngoài ngân sách cũng là một biện pháp trong thực hành tiết kiệm, hạn chế lãng phí nên được bổ sung vào dự thảo. Hiện hay ở địa phương chỉ có một số quỹ có nguồn thu từ xổ sổ kiến thiết, quỹ đầu tư phát triển đã được quản lý chi rất chặt chẽ về mục tiêu, nội dung chi và được giám sát nghiêm ngặt của Hội đồng Nhân dân tỉnh.
Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, theo đại biểu cần có những giải pháp gì để điều chỉnh toàn diện mọi tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm các nguồn lực, đặc biệt là nguồn tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân?
Thứ nhất, phải coi tiết kiệm là quốc sách. Nền kinh tế nước ta qua hơn 20 năm đổi mới tuy đã có bước phát triển, nhưng nước ta vẫn là một nước nghèo, đời sống một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Việc thực hành tiết kiệm có một ý nghĩa to lớn nhằm góp phần tích luỹ để thúc đẩy và phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống người dân. Đặc biệt, hiện nay tiết kiệm đã trở thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của công cuộc xây dựng đất nước.
Thứ hai, phải có quy định điều chỉnh toàn diện mọi cơ quan cá nhân trong sử dụng các nguồn lực. Xác định trách nhiệm trong việc ban hành chính sách, quyết định đầu tư, ban hành các tiêu chuẩn, định mức gây lãng phí thì phải bồi thường, kể cả cá nhân, tổ chức sai tiêu chuẩn, định mức gây lãng phí thì cũng phải bồi thường. Phải có quy định cụ thể nhằm định lượng mức độ vi phạm, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, luật phải quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí và có chế tài xử lý cụ thể, phù hợp.
Thứ ba, phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện định mức, chế độ. Đặc biệt tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các lĩnh vực như: quản lý, sử dụng tiền, tài sản Nhà nước, các khoản đầu tư công, đất đai… Xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Xin cám ơn đại biểu!