Dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục có ý nghĩa gì?
Dự trữ ngoại hối theo ước tính của công ty chứng khoán SSI công bố mới đây cho thấy đã chạm mốc 70 tỷ USD, lên mức cao nhất từ trước đến nay. Điều này có ý nghĩa gì với nền kinh tế?
Còn nhớ cách đây 5 tháng, số liệu dự trữ ngoại hối cập nhật vào thời điểm giữa tháng 4/2019 chỉ ở mức 66,35 tỷ USD, tức tăng thêm 8,35 tỷ USD so với cuối năm 2018, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua ròng ngoại tệ mạnh mẽ trong hơn ba tháng đầu năm.
Với con số 70 tỷ USD thông tin gần đây, có thể ước tính NHNN đã mua thêm hơn 3,65 tỷ USD kể từ tháng 7/2019 đến nay. Nếu nhìn vào diễn biến thị trường ngoại hối trong giai đoạn này, thì giá USD có xu hướng đi xuống so với tiền đồng, theo đó NHNN có thể đã mua vào với mức giá phù hợp.
Có được điều này là do nguồn ngoại tệ đổ vào trong nước tiếp tục dồi dào. Xuất siêu trong 8 tháng đầu năm nay đạt mức cao hơn 3,4 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân 8 tháng cũng đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, còn có 5.235 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 9,51 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2018.
Với lượng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục sẽ giúp nhà điều hành có thêm nguồn lực để điều hành thị trường ngoại hối hiệu quả hơn, theo đó có thể can thiệp khi cần thiết để điều tiết tỷ giá theo mục tiêu đề ra.
Trước ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dòng vốn đầu tư quốc tế chuyển dịch mạnh từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, cũng như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết gần đây, cũng giúp thúc đẩy vốn đầu tư đổ vào Việt Nam để tận dụng những điều khoản ưu đãi dành cho các thành viên.
Ở vốn đầu tư gián tiếp, lộ trình cổ phần hóa hay thoái vốn, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu năm nay, ngân hàng Vietcombank bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài thu về gần 6.2 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 270 triệu USD). Tập đoàn Vingroup gần đây cũng bán thành công 15% cổ phần cho tập đoàn SK Hàn Quốc thu về 1 tỷ USD, hay mới đây nhất là thương vụ bán 15% cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho Ngân hàng Keb Hana Bank (Hàn Quốc) với 885 triệu USD.
Với lượng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục sẽ giúp nhà điều hành có thêm nguồn lực để điều hành thị trường ngoại hối hiệu quả hơn, theo đó có thể can thiệp khi cần thiết để điều tiết tỷ giá theo mục tiêu đề ra. Hiện tại, tỷ giá trung tâm so với đầu năm nay chỉ mới tăng hơn 1,3%, còn cách khá xa so với mục tiêu 2%, thậm chí trên thị trường phi chính thức tiền đồng còn có xu hướng tăng giá so với USD trong hai tháng trở lại đây.
Tuy nhiên, thông thường áp lực tỷ giá sẽ ngày càng tăng mạnh lên trong thời điểm càng về cuối năm, nhất là rủi ro Trung Quốc có thể tiếp tục phá giá nhân dân tệ trong thời gian tới khi thương chiến leo thang trở lại, khiến Việt Nam có thể bị kéo vào một cuộc chiến tiền tệ giữa các nước lớn. Do đó, việc chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản và nguồn lực để đối phó ngay từ lúc này không bao giờ là thừa.
Với lượng dự trữ ngoại hối 70 tỷ USD, dù là kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, nhưng cũng chỉ tương đương với khoảng 13,5 tuần nhập khẩu. Tuy nhiên, con số này cũng đủ ở mức an toàn, khi theo tiêu chí đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô dự trữ ngoại hối sẽ được tính bằng số tuần nhập khẩu, theo đó quy mô phải tương đương từ 12-14 tuần nhập khẩu.