Đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu
Sáng 26/9 tại TP. Cần Thơ - trái tim của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ đã chủ trì khai mạc Hội nghị về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, ĐBSCL có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước, là một trong những vùng đồng bằng màu mỡ và có sản lượng nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam.
Tính đến tháng 4/2017, ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thuỷ sản xuất khẩu của cả nước. Nhiều mặt hàng nông sản của ĐBSCL đã có mặt và được ưa chuộng tại nhiều nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, ĐBSCL là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất dobiến đổi khí hậu, nước biển dâng. Bởi vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, định hình chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng.
Đó cũng là mục đích hướng tới của Hội nghị. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận 04 vấn đề chính sau, cụ thể:
Một là, phân tích, nhận diện được đầy đủ hơn các thách thức do biến đổi khí hậu, quá trình phát triển nội tại của vùng ĐBSCL, các hoạt động sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn.
Hai là, dự báo được các xu thế tác động chính, nhận diện được các cơ hội trong ngắn hạn và dài hạn làm cơ sở cho định hình mô hình phát triển vùng ĐBSCL và các định hướng chuyển đổi lớn.
Ba là, thảo luận và đề xuất các cơ chế chính sách đổi mới có tính đột phá nhằm tận dụng cơ hội chuyển hoá các thách thức thúc đẩy quá trình chuyển đổi, phát triển bền vững ĐBSCL; trong đó, tập trung vào các cơ chế về đất đai, thuế, kiến tạo thị trường, xúc tiến đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực;
Bốn là, xác định các dự án, các nhóm nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án ưu tiên với nguồn lực, lộ trình thực hiện phù hợp trong tổng thể phát triển toàn vùng với sự tham gia của các bên bao gồm: Chính phủ, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL và các khu vực lân cận, nhất là TP. Hồ Chí Minh.
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng kêu gọi các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm và hỗ trợ cả về kỹ thuật và tài chính cho vùng ĐBSCL; phát huy hơn nữa vai trò của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế, tăng cường chia sẻ thông tin, quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước giữa các nước trong lưu vực sông Mê Công vì sự thịnh vượng chung của khu vực.