Đưa Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực
Với phương châm “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, Hậu Giang sẽ biến khó khăn, thách thức thành thế mạnh, đột phá để vươn lên sánh vai cùng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tương lai.
Bản Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có 33 hợp phần. Báo cáo có độ dày khoảng 1.000 trang, riêng báo cáo tóm tắt khoảng 200 trang. Quy hoạch được xác định là nhiệm vụ quan trọng, là tuyên ngôn tầm nhìn định hướng phát triển, tư duy tầm nhìn phải ổn định có tính kế thừa, đổi mới và phát triển.
Nhiều thách thức
Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang nhận định 3 khâu tụt hậu của tỉnh là: Quy mô kinh tế nhỏ và khoảng cách chênh lệch ngày càng tụt hậu xa; tăng trưởng kinh tế giảm dần và thấp hơn mức tăng trưởng của cả nước; tăng thu ngân sách cả về số tuyệt đối, tương đối và tỷ trọng thấp hơn tăng chi ngân sách qua các năm.
Ba điểm nghẽn động lực tăng trưởng: Khu vực 1 đất nông nghiệp ngày càng ít, hiệu quả chuyển đổi đất chưa rõ nét; Khu vực 2 không có doanh nghiệp mới, có quy mô hoạt động lớn; Khu vực 3 không cho thấy sự phát triển; đồng thời, thiếu đầu tư ngân sách để phát triển, chưa ưu tiên thứ tự đầu tư ngân sách để tạo dòng tiền dương.
Ba nút thắt: Thiếu quy hoạch; hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông các khu công nghiệp, điện, nước; nguồn nhân lực và các vấn đề liên quan đến xã hội.
Hậu Giang đang đứng trước thời cơ thay đổi, đột phá và phát triển. Công tác lập quy hoạch có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa cơ hội, tiềm năng. Quy hoạch là sắp xếp, phân bổ lại không gian, trên cơ sở thiết kế các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng và sử dụng hiệu quả, tối ưu nhất về tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Theo định hướng phát triển tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đề xuất là “Phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch chất lượng”, cụ thể như sau: Định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trên quan điểm là: “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm trọng tâm”.
Một tâm là: Phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn. Hai tuyến là: Tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu. Ba thành là: Ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ. Bốn trụ là: Phát triển 4 trụ cột theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Năm trọng tâm là: Hoàn thiện thể chế, chích sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hoàn thiện hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Định hướng phát triển này phải tạo được những đột phá thực sự đối với lĩnh vực công nghiệp trong thời gian trung và dài hạn, để có thể bứt phá về tăng trưởng kinh tế, thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra; đồng thời, phát triển công nghiệp phải hài hòa với mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững và bao trùm lâu dài, để mọi khu vực đều phát triển và mọi người dân đều được hưởng lợi.
Ông Lê Trình, đại diện đơn vị tư vấn lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch tỉnh, cho rằng tỉnh cần phát triển một cách hài hòa, không chạy theo tốc độ phát triển mà bỏ qua yếu tố môi trường, giống như Chính phủ nhiều lần nói không đổi phát triển lấy môi trường.
“Về lâu dài nếu tăng trưởng quá nhanh thì gây hậu quả về ô nhiễm môi trường, tăng lượng chất thải, không kiểm soát được. Hậu Giang nên vừa phát triển kinh tế vừa kết hợp với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo an sinh xã hội. Ba trục này kết hợp gọi là phát triển bền vững. Phát triển bền vững phải đảm bảo được tăng trưởng kinh tế nhanh, không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Lê Trình bày tỏ.
Nền tảng để bứt phá
Quy hoạch đã tiếp cận, cập nhập các cơ hội gần đây như: Các dự án giao thông, 2 tuyến đường cao tốc sắp triển khai; tiềm năng của các doanh nghiệp đang tiếp cận, cam kết đầu tư vào tỉnh, nhất là các doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu công nghiệp; xác định các khâu đột phá, tổng thể; xây dựng quy hoạch bài bản.
Về quy hoạch ngành giao thông, ông Nguyễn Liên Khoa, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, nhận định: Tuyến quốc lộ, cao tốc trong tương lai mang tới nhiều hy vọng. Tuy nhiên, các tuyến giao thông trục xuyên tâm, đường tỉnh hiện nay hầu hết là trọng tải cầu có 13 tấn, lộ thì thấp hơn, như vậy để đáp ứng giai đoạn đến năm 2025, 2030 không đáp ứng nổi.
“Nên xác định những tuyến trung tâm, những tuyến xuyên tâm của tỉnh để kết nối quốc lộ và đường cao tốc phải đưa lên lộ cấp 3, cấp 4 đồng bằng. Nghĩa là xe tải phải từ 30 tấn trở lên và phải 4 làn xe ở một số đường tỉnh kết nối, để tạo ra kết nối nhiều hơn, phục vụ vận chuyển hàng hóa trong tương lai”, ông Nguyễn Liên Khoa đề xuất.
Quy hoạch tỉnh đã bám sát Nghị quyết định hướng chiến lược của Tỉnh ủy, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 xây dựng thành công các nền tảng tăng trưởng bền vững giai đoạn tới; năm 2030 tỉnh có nền sản xuất công nghiệp ở mức khá, tự cân đối thu ngân sách và Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng; từ đó nhiệm vụ cụ thể để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 5 năm 2021-2025 là 7,5-8%; giai đoạn năm 2026-2030 tăng từ 10-12%, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước.
Ông Trần Văn Tho, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang, tâm đắc: Rất mừng thời gian gần đây lãnh đạo tỉnh đề ra nhiều phương châm, quan điểm, tư tưởng rất hay, sát thực, quyết liệt. Khẩu hiệu “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, “Quan điểm nhất tâm…”, rất dễ nhớ, dễ hiểu. Vừa là quan điểm, sắp xếp cơ cấu kinh tế hợp lý.
Ở góc nhìn của mình, ông Tho cho rằng: Tỉnh Hậu Giang xác định rõ mục tiêu số 1 là công nghiệp, đây là mũi nhọn, quyết tâm thực hiện… từ đó phát triển nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Nông nghiệp từ nay đến năm 2050, quy hoạch vùng trồng trọt, chăn nuôi đảm bảo tính lâu dài. Trong thu hút doanh nghiệp, phải xem lại các giải pháp kể cả thủ tục hành chính để thu hút các doanh nghiệp, “bởi doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh phải có lợi”.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tỉnh đã chủ động thuê đơn vị tư vấn uy tín, lập định hướng chiến lược phát triển Hậu Giang thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Định hướng chiến lược này đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua vào 6 tháng cuối năm 2021. Từ định hướng chiến lược đó là cơ sở rất quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, tỉnh xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, quy hoạch cũng được xác định là tuyên ngôn, tầm nhìn của tỉnh hay nói cách khác là định vị Hậu Giang phát triển đến năm 2025 ở đâu? 2030 ở đâu? và năm 2050 là ở đâu?
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho rằng: Muốn phát triển nhanh phải có đột phá. Chính quy hoạch là đột phá cho sự phát triển và là mục tiêu, phương hướng, động lực cho sự phát triển, tạo ra các động lực mới cũng như khai thác hết các tiềm năng về phát triển. 63 tỉnh, thành sẽ lập 63 bản quy hoạch phát triển của từng tỉnh. Trên cơ sở đó Trung ương lập quy hoạch tổng thể phát triển Quốc gia. Quy hoạch là khởi nguồn của sự phát triển, là công cụ quan trọng của công tác quản lý nhà nước, là khung pháp lý trong việc đầu tư phát triển các lĩnh vực, là cơ sở để các ngành, các cấp lập kế hoạch, quy hoạch các chương trình, dự án phát triển và cũng là công cụ hiệu quả cho hoạt động thu hút các nguồn lực đầu tư.
Nhắc lại lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh: “Muốn phát triển tốt là phải có quy hoạch tốt, có quy hoạch tốt thì sẽ có dự án tốt, có dự án tốt thì sẽ có nhà đầu tư tốt”. Quy hoạch cần nhận thức đầy đủ quan điểm này, có nhà đầu tư tốt sẽ tạo việc làm, có nguồn thu ngân sách tốt và có nguồn thu ngân sách tốt sẽ nâng cấp hạ tầng giao thông và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tốt”.