Đưa tín dụng tiêu dùng vào khuôn khổ
Nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng cao cùng với việc đẩy mạnh cho vay của các ngân hàng giúp thị trường này đang có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, mảng tín dụng tiêu dùng đang phát đi những tín hiệu thiếu kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ rủi ro lớn cho các tổ chức tín dụng, các cơ quan quản lý và cả khách hàng.
Tại tọa đàm "Tài chính tiêu dùng an toàn cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng" diễn ra ngày 22/5, các chuyên gia khẳng định việc đảm bảo thị trường này phát triển đúng hướng, an toàn là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Dư địa tăng trưởng lớn
Theo các chuyên gia, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước "cơ hội phát triển vàng" nhờ những điều kiện lý tưởng như: Nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, quy mô dân số đạt ngưỡng gần 95 triệu dân với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 52%; nhóm lao động có xu hướng chi tiêu vượt mức lương, đồng thời chuyển đổi hành vi từ tiết kiệm sang mua sắm và chuyển từ việc sử dụng tiền mặt sang tín dụng tiêu dùng.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đến cuối năm 2012 khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế, nhưng đến cuối năm 2017 đã đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 18% tổng dư nợ của nền kinh tế.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá, tài chính tiêu dùng đang đóng góp rất tốt cho sự phát triển xã hội. Đặc biệt, các công ty tài chính (CTTC) ra đời đã giúp nhiều người có thể tiếp cận vốn từ các kênh chính thức hơn. Chỉ tính riêng các CTTC đang phục vụ khoảng gần 30 triệu khách hàng.
Sức hấp dẫn của thị trường khiến các ngân hàng đua nhau mua các công ty tài chính, sau đó cơ cấu lại thành công ty tài chính tiêu dùng và đẩy toàn bộ mảng này ra cho các công ty con. Nhờ đó, ngân hàng tránh tiếng cho vay nới lỏng, trong khi không bị các rào cản về chuẩn mực an toàn kiểm soát.
Hầu hết các chuyên gia khẳng định đây là lỗ hổng rủi ro rất lớn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các ngân hàng có đủ năng lực kiểm soát rủi ro ở lĩnh vực này theo đúng sự chuyển dịch của nền kinh tế.
Thừa nhận sự phát triển mạnh của cho vay tiêu dùng vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho rằng đây là lĩnh vực còn mới ở Việt Nam, nên kinh nghiệm cho vay, kinh nghiệm quản lý rủi ro của cả các TCTD và người đi vay còn non trẻ.
Đưa công nghệ vào quản lý rủi ro
Sự phát triển nhanh của hoạt động cho vay tiêu dùng đặt ra rất nhiều vấn đề về quản lý rủi ro đối với các TCTD, với cơ quan quản lý nhà nước và đối với cả khách hàng.
Theo chuyên gia tài chính, Ts. Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cho vay tiêu dùng, ngoài các CTTC kiện toàn hệ thống kỹ thuật quản lý hồ sơ khách hàng, cần thực hiện tốt hơn minh bạch thông tin cho khách hàng.
"Người tiêu dùng phải hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước khi quyết định sử dụng dịch vụ. Các CTTC cần coi trọng việc quản trị rủi ro trên các khoản vay, không nên quan tâm đến tăng trưởng dư nợ bằng mọi giá", ông Linh nói.
Dưới góc độ đơn vị cung cấp dịch vụ, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Dịch vụ tài chính EY Việt Nam, cho rằng trong thời đại cách mạng 4.0, các công ty tài chính cần tận dụng sức mạnh của công nghệ để tiếp cận và mang lại các trải nghiệm thú vị cho khách hàng, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin của người vay hiện nay.
Các chuyên gia cũng đề nghị NHNN cần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động cho vay, lãi suất cho vay của TCTD đối với khác hành.
Thực tế, NHNN gần đây liên tục đưa ra những cảnh báo và ban hành những Thông tư, văn bản cụ thể quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng như: Thông tư số số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định riêng về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính phù hợp với đặc thù hoạt động cho vay tiêu dùng; Thông tư số 14/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng.