Đừng chỉ quan tâm đến giá khi mua tour
Tình trạng khách hàng mua nhầm tour du lịch kém chất lượng hay gặp công ty lừa đảo tuy không quá phổ biến nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Khách hàng nên tìm hiểu kỹ hơn về công ty tổ chức tour và đừng nên mua tour chỉ vì giá rẻ.
Nhận tiền tour rồi trốn
Những ngày gần đây, giới du lịch xôn xao trước sự kiện Công ty Du lịch Golux ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh bán tour đi nước ngoài cho hàng chục khách hàng với số tiền lên đến hàng tỉ đồng nhưng không tổ chức cho khách đi và cũng không trả lại tiền. Vụ việc này hiện đang được Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh xử lý và trước đây cũng đã có một số vụ tương tự.
Theo thông tin từ Phòng Lữ hành thuộc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 654 doanh nghiệp có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế và gần 600 công ty lữ hành nội địa. Hàng năm, số vụ việc nghiêm trọng như bỏ khách ở nước ngoài; hủy tour đúng ngày khởi hành rồi ôm tiền bỏ trốn; khách tố tour “dỏm” hay vụ việc như Golux không nhiều, khoảng 2-3 vụ. Tuy nhiên, những trường hợp cắt xén dịch vụ, cung cấp dịch vụ không như cam kết thì khá nhiều nhưng thường không được báo cáo chính thức do khách hàng không muốn tốn thời gian khiếu nại.
Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, có rất nhiều cách để doanh nghiệp cắt bớt dịch vụ trong tour. Chẳng hạn, cắt bớt điểm tham quan hay chỉ đưa vào những điểm tham quan không bán vé; cho khách bay vào giờ “xấu” tức là đến nơi vào buổi đêm thay vì buổi chiều để bớt chi phí tham quan; cho khách bay về nước vào các chuyến bay buổi trưa để khách phải ra sân bay ngay khi ăn sáng thay vì tiếp tục tham quan; cho ở khách sạn ở những nơi không thuận tiện; đi đoàn quá lớn; giảm chất lượng bữa ăn, liên tục đưa khách vào chỗ mua hàng để nhận hoa hồng…
Trong đó, với các tour đi Đông Nam Á, tình trạng những người làm tour dẫn khách vào cửa hàng mua sắm là phổ biến. Việc này đáp ứng nhu cầu cho cả hai phía, công ty lữ hành có thêm chi phí để bù vào phí điều hành nhằm giảm giá tour còn khách hàng cũng muốn mua sắm ở những nơi có thương hiệu. Tuy nhiên, nhiều công ty đã quá lạm dụng việc này khiến du khách phải liên tục vào cửa hàng dù không muốn.
“Có những đối tác ở Thái Lan hỏi thẳng nghề nghiệp của du khách trước khi chốt giá. Với những người là sinh viên, giáo viên… đối tác yêu cầu phải tăng giá dịch vụ mặt đất, có khi lên đến 100 đô la Mỹ/người vì cho rằng những khách này thường không mua sắm”, đại diện một doanh nghiệp du lịch nói.
Để tránh bị lừa
Theo nhiều doanh nghiệp và quan chức quản lý du lịch, nguyên nhân khiến khách hàng dễ bị mua nhầm tour kém chất lượng là chỉ quan tâm đến giá tour rẻ và không tìm hiểu những thông tin liên quan đến tính hợp pháp, uy tín của đơn vị tổ chức cũng như tham khảo tour tương tự trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Đức Chí, Phó phòng Lữ hành thuộc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, lữ hành là dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Vì thế ngoài giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp muốn tổ chức tour phải đáp ứng các điều kiện của ngành du lịch và phải ký quỹ mới có giấy phép cho từng mảng dịch vụ. Để tránh gặp công ty làm ăn chui, khách hàng nên yêu cầu doanh nghiệp cung cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế khi mua tour đi nước ngoài và giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa khi mua tour trong nước.
Ông Chí cũng cho rằng, những công ty làm ăn chụp giật vẫn còn đất sống, một phần cũng do tâm lý ham giá rẻ vẫn phổ biến. Thông thường, những người chỉ quan tâm đến giá, chỗ nào rẻ nhất thì mua tour thường hay bị lừa.
Nhiều doanh nhân cũng có ý kiến tương tự, cho rằng khách hàng cần cẩn trọng hơn khi chọn đơn vị cung cấp dịch vụ. Trừ một số công ty có lượng khách lớn, giá dịch vụ thấp để bán tour rẻ hơn hoặc trong đợt khuyến mãi thì gần như những tour quá rẻ đều có vấn đề. Khách hàng nên dành thời gian để tìm hiểu về lai lịch công ty; lịch sử tổ chức tour; chi tiết tour; so sánh dịch vụ với một số tour tương tự trên thị trường; yêu cầu doanh nghiệp mua bảo hiểm du lịch và xem kỹ chi tiết gói bảo hiểm…
Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, du khách nên xem kỹ thành tích của doanh nghiệp trước khi quyết định mua dịch vụ. Nhiều công ty nước ngoài rất để ý đến nội dung này nên khi đấu thầu, họ luôn yêu cầu công ty lữ hành cho xem hình ảnh của các đoàn khách lớn đã tổ chức và thường chỉ chấp nhận khi thời gian tổ chức tour cho những đoàn đó không lâu quá 5 năm.
Khách hàng cũng nên tham khảo thông tin về giá dịch vụ cơ bản như vé máy bay, khách sạn, thuê xe, chi phí vận hành… để có thể tính toán sơ bộ giá thành tour. Chẳng hạn, vé máy bay khứ hồi đi Thái Lan và vài nước trong khu vực Đông Nam Á từ 180-200 đô la Mỹ/người (khoảng 4,1-4,6 triệu đồng), khách sạn 3 sao chừng 25-30 đô la Mỹ/đêm (riêng Singapore đắt hơn khoảng 20%), giá một bữa ăn bình thường từ 5-7 đô la Mỹ/người, lương hướng dẫn viên du lịch khoảng 25-30 đô la Mỹ/ngày, thuê xe du lịch cỡ 30 chỗ khoảng 300-350 đô la Mỹ/ngày. Ngoài ra, còn các chi phí khác như phí tham quan, tiền quảng cáo, bán hàng, bảo hiểm… Nếu cộng các khoản này lại rồi chia ra trên đầu người mà thấy giá chào bán thấp hơn thì có thể tour sẽ không có chất lượng tốt và khách nên yêu cầu công ty giải thích.