Dùng điện thoại cũ, lợi cả đôi đường
Các thế hệ điện thoại di động ra đời liên tục với nhiều mức giá bán, đã biến loại thiết bị này trở thành đồ vật phổ biến, thường xuyên được thay mới. Trong bối cảnh đó, dịch vụ tân trang, bán lại điện thoại cũ vừa mang lại triển vọng lợi nhuận, vừa giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo The Jakarta Post, người tiêu dùng hiện nay thường thay mới điện thoại trung bình hai năm một lần nhờ vào việc điện thoại đã trở nên rẻ và phổ biến. Thói quen đó dẫn đến việc số lượng điện thoại cũ, hỏng bị thải loại ngày càng nhiều lên. Chúng nay trở thành một loại rác thải công nghệ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu đối với môi trường. Bản báo cáo gần đây của tổ chức Liên hiệp Quốc cho thấy điện thoại cũ, hỏng chiếm 9% khối lượng rác thải điện tử trên thế giới vào năm 2016, tăng 2% so với năm 2014.
Tại Mobile World Congress (MWC) – cuộc hội nghị thiết bị di động lớn nhất thế giới, tổ chức ở Barcelona (Tây Ban Nha) – Mạng lưới các nhóm hoạt động vì môi trường châu Âu (European Environmental Bureau – EEB) đã có bài phát biểu cho rằng vấn đề của trào lưu chạy theo công nghệ và thay mới điện thoại di động đang làm cho núi rác thải điện tử ngày càng cao thêm. EEB đặc biệt nhấn mạnh việc xuất khẩu điện thoại di động đã qua sử dụng sang các nước nghèo đã tạo ra những bãi rác điện tử khổng lồ ở châu Phi và châu Á.
Xu hướng chuộng điện thoại cũ
Việc sản xuất và tiêu thụ điện thoại di động tăng trưởng cũng dẫn đến nguy cơ số lượng điện thoại cũ, hỏng bị vứt đi sẽ tăng theo. Tuy nhiên, công nghệ tiến triển nhanh cũng là điều tích cực khi điện thoại thông minh ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng. Hiển nhiên là những dòng điện thoại nổi bật, mới tung ra thị trường thường rất đắt, ví dụ như một chiếc iPhone X có giá bán xấp xỉ 30 triệu đồng.
Nhiều người nay quyết định không chi quá nhiều tiền mua máy mới với những công nghệ ít khi dùng tới trong khi những mẫu cũ cũng đã có đầy đủ các tính năng cần thiết. Mặt khác, tuy đắn đo về giá tiền nhưng đa số khách hàng luôn muốn dùng máy có thương hiệu tên tuổi. Do vậy, người dùng thà chọn một chiếc iPhone hơi cũ nhưng còn dùng tốt hơn là “đập hộp” một chiếc điện thoại giá rẻ, với thương hiệu Trung Quốc chẳng hạn. Điện thoại cũ còn sử dụng tốt trở thành sự lựa chọn tất nhiên.
Thị trường nhiều tiềm năng
Nhờ những thay đổi đó, doanh thu dịch vụ mua bán điện thoại di động cũ tăng nhanh. Bertrand Grau, chuyên gia phân tích công nghệ tại hãng kiểm toán Deloitte, cho biết: “Thị trường điện thoại cũ hiện có tốc độ tăng trưởng rất cao”. Ông Grau dự báo doanh thu từ việc mua bán điện thoại di động đã qua sử dụng sẽ tăng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2020. Do vậy, các thương hiệu di động nổi tiếng và các nhà mạng ngày càng đẩy mạnh các chương trình trao đổi điện thoại cao cấp đã qua sử dụng để bù tiền và lấy một chiếc mới cùng hãng.
Thị trường điện thoại di động cũ được tân trang vẫn còn sơ khai, chỉ mới có 7 – 15% tổng số điện thoại thông minh được bán ở Pháp và 20-25% tại Bắc Mỹ là những điện thoại cũ. Công ty Hyla, có trụ sở tại bang Texas (Mỹ), quyết định đầu tư vào mảng này. Ông Biju Nair, người đứng đầu Hyla, cho biết các công ty tương tự đang mọc lên như nấm sau mưa vì “sử dụng điện thoại cũ là xu hướng phổ biến toàn cầu”.
Gần đây, Volpy, một công ty khởi nghiệp của Pháp, đã trình làng ứng dụng để người dùng bán điện thoại cũ ngay tại nhà và nhân viên Volpy sẽ trực tiếp đến thu mua tận nơi. “Rất nhiều điện thoại cũ bị bỏ phí và còn nhiều người sẽ muốn bán lại”, ông Marc Simeoni, người đứng đầu của Volpy, nói.
Giảm tác hại đối với môi trường
Theo các chuyên gia về chất thải điện tử, khuyến khích việc dùng điện thoại cũ là việc làm có trách nhiệm với môi trường, giúp cắt giảm lượng nguyên liệu thô để tạo ra những chiếc điện thoại mới. Bên cạnh đó, việc sản xuất điện thoại thông minh làm tiêu tốn một lượng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch khổng lồ.
Ví dụ như hiện nay có đến 60% số điện thoại thông minh được gia công ở Trung Quốc, nơi than vẫn là nguồn năng lượng chính. Việc tái sử dụng điện thoại cũ cũng là phương pháp khả dĩ nhất để giảm lượng điện thoại bị vứt đi vì đa số các bộ phận linh kiện trong điện thoại thường rất khó tái chế, nhưng điều này cũng khiến cho các tập đoàn công nghệ lớn không mấy mặn mà.