Đường cong lãi suất được vẽ lại

Theo thoibaonganhang.vn

Thay vì tăng lãi suất huy động như những năm trước, năm nay các ngân hàng thương mại (NHTM) đang điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn. Trong đó, nhiều ngân hàng (NH) đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1-5 tháng khoảng 0,2-0,3%.

Lãi suất cho vay năm 2017 được nhà điều hành dự báo ổn định như năm nay. Nguồn: internet.
Lãi suất cho vay năm 2017 được nhà điều hành dự báo ổn định như năm nay. Nguồn: internet.

Ngắn giảm, dài tăng

Đầu tháng 12, VietCapitalBank chính thức áp dụng biểu lãi suất mới. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1-5 tháng bị điều chỉnh giảm 0,05%. Tương tự, Sacombank cũng thông báo giảm 0,1% đối với kỳ hạn 2 và 3 tháng, lần lượt ở mức 4,9% và 5,2%/năm. Ở khối NHTM Nhà nước, Agribank cũng đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn và tiền gửi thanh toán từ 0,5%/năm xuống 0,3%/năm…

Bên cạnh việc điều chỉnh lãi suất huy động ngắn hạn xuống thấp, các NH cũng cơ cấu lại nguồn vốn của mình bằng cách tăng lãi suất 0,1-0,2% đối với các kỳ hạn dài để để hút vốn cho vay trung dài hạn ở năm sau.

Đơn cử, tất cả khách hàng mới gửi tiết kiệm từ 9 tháng trở lên tại BIDV sẽ được tặng ngay 100.000 đồng trên mỗi 100 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm (tương đương với việc tặng ngay 0,1% số tiền tiết kiệm vào đầu kỳ hạn). Theo thông báo của BIDV, đây là chương trình khuyến mại lớn dịp cuối năm 2016, đầu năm 2017 cho khách hàng cá nhân của BIDV với tổng quà tặng dự kiến lên tới gần 8 tỷ đồng.

Tại VietCapitalBank, nếu khách hàng chuyển đổi lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn sang dài thì không những được cộng thêm lãi suất mà còn được tặng rất nhiều quà tặng có giá trị, hoặc quy đổi thành lãi suất cộng trực tiếp vào tài khoản. Ở Sacombank cũng vậy, NH giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn nhưng các kỳ hạn từ 15-36 tháng được Sacombank điều chỉnh tăng 0,2% lên 7%/năm. PVcomBank tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng với mức 0,2%/năm, niêm yết ở mức 7,5%/năm. BaoViet Bank tăng lãi suất tiết kiệm định kỳ đối với kỳ hạn 11 tháng thêm 0,2% lên mức 6,6%/năm, đồng thời kỳ hạn 12 tháng cũng tăng 0,1% lên 7,2%/năm…

Thực tế, việc điều chỉnh lãi suất hiện nay của các NHTM đang phù hợp với định hướng của NHNN là năm 2017, hướng tới mục tiêu thực hiện các giải pháp điều hành nhằm phấn đấu ổn định lãi suất cho vay như năm 2016. Đánh giá về việc giảm lãi suất huy động thời điểm cuối năm, một lãnh đạo BIDV chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc điều chỉnh xuất phát từ mục tiêu cơ cấu lại nguồn vốn huy động của các NH.

Trước đây, các NH luôn phải tăng lãi suất huy động ngắn hạn cuối năm để thu hút nguồn tiền đáo hạn của khách hàng thì nay, NH có nhiều cơ sở để không phải chạy theo chu kỳ cũ đó nữa. Đồng thời, NH cũng đang phải thực hiện giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn (thường chiếm đến 80-85% tổng vốn huy động) xuống thấp hơn trong năm 2017 vì nhu cầu vay vốn của khách hàng chủ yếu là trung và dài hạn.

Lãi suất cho vay năm mới ổn định

Theo đánh giá của chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, tốc độ tăng trưởng huy động vốn hiện nay tại các NH cân bằng so với tăng trưởng tín dụng nên các NH có nhiều cơ sở để tự mình điều chỉnh đường cong lãi suất. Hơn nữa, theo đề án tái cơ cấu hệ thống, một yêu cầu đặt ra là khối NHTM phải giảm được tỷ lệ cho vay trên vốn huy động về mức dưới 90%. Đây là thời điểm chín muồi để các NH thực hiện đúng mục tiêu NHNN đặt ra.

Ở diễn biến khác, một xu hướng đang thể hiện rõ trong năm 2016 là các NHTM không còn mạo hiểm với vấn đề thanh khoản, nhất là việc đẩy mạnh sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Nếu nhìn qua bảng cân đối tài chính tại một số NH, tính đến thời điểm này, khối NHTM Nhà nước đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn so với cùng kỳ năm trước.

Một lãnh đạo của Sacombank cho biết, hiện không có thống kê cụ thể được về thay đổi của cơ cấu kỳ hạn trong nguồn vốn huy động của các NH, nhưng tập hợp từ báo cáo tài chính nửa đầu năm nay của các thành viên cho thấy, phần lớn tiền gửi của khách hàng là ngắn hạn.

Đáng chú ý, cơ cấu trên đã được định hình và đã có cải thiện nhất định trong những năm gần đây, khi đường cong lãi suất đã thay đổi theo hướng tạo lãi hấp dẫn hơn cho các kỳ hạn dài. Từ đó, thanh khoản của các NH được cân đối nên dù có tăng lãi suất huy động dài hạn nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng tới việc điều chỉnh lãi suất cho vay ở kỳ hạn dài.

Thể hiện, từ quý II/2016 đến nay, dù tăng giảm lãi suất huy động nhưng mặt bằng lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm theo yêu cầu của Chính phủ. Thu nhập lãi thuần của nhiều NH vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Vietcombank, số lượng các khoản cho vay trung và dài hạn với lãi suất trên 10%/năm ở mức thấp, vì vậy hệ số NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) của NH không chịu ảnh hưởng nhiều trước yêu cầu giảm lãi suất dài hạn xuống 10%/năm của NHNN…

Một chuyên gia tài chính khác nhận định, sở dĩ thu nhập từ lãi của các NH vẫn tăng trưởng tốt trong bối cảnh phải giảm lãi suất cho vay do NH đã có sự điều chỉnh tăng giảm lãi suất huy động từng kỳ hạn khá nhịp nhàng theo nhu cầu vốn của thị trường. Điều này cũng được thể hiện trong báo cáo công bố đầu tháng 12 mới đây của Moody’s, khi tổ chức này khẳng định hệ thống NH Việt Nam sẽ ổn định trong năm tới.

Theo TS. Bùi Quang Tín - Trường Đại học ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của các NH hiện là khá thấp, không chỉ thấp so với những năm trước mà còn thấp hơn mặt bằng chung huy động vốn. Điều này sẽ được duy trì trong năm 2017, chẳng hạn như: mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên vẫn xoay quanh ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn. Các NHTM Nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.