Bảo đảm vốn cho mùa kinh doanh cuối năm
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng trở lại trong thời gian gần đây, trong khi lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã được điều chỉnh giảm nhẹ. Xu hướng này được xem là không có gì bất ngờ, bởi cuối năm các ngân hàng thường cơ cấu lại nguồn tiền nhằm đẩy thêm vốn ra nền kinh tế.
Nếu như ở thời điểm cách đây 1-2 tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đẩy mạnh phát hành tín phiếu để hút tiền đồng khi thanh khoản của các NHTM đang tăng rất cao thì hiện nay, nhà điều hành đã bơm ròng ra thị trường với khối lượng tiền khá lớn. Các chuyên gia tài chính đánh giá, động thái này của NHNN nhằm bảo đảm nhu cầu vốn kinh doanh cuối năm của nền kinh tế.
Cập nhật của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank cho thấy, đến ngày 13/12, lãi suất bình quân VND các kỳ hạn ngắn dưới 1 tháng trên thị trường liên ngân hàng đã chạm mốc 5%/năm, cao nhất kể từ cuối quý II/2016. Bên cạnh đó, NHNN ngừng phát hành tín phiếu hút tiền về, lượng tín phiếu lưu hành giảm mạnh.
Cụ thể, tính đến ngày 13/12, khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống 58.430 tỷ đồng, trong khi tuần trước trên 70.000 tỷ đồng và cao điểm hai tháng trước tới gần 90.000 tỷ đồng. Đặc biệt, NHNN đã cho vay qua kênh cầm cố trên thị trường mở tăng khá cao, như trong ngày 13/12, lượng vốn bơm ra tới 10.115 tỷ đồng, với tổng lượng bơm tính đến cùng ngày đã lên 26.115 tỷ đồng.
Cùng với sự điều hành linh hoạt thị trường tiền tệ của NHNN, một số NHTM cũng đã có mức điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động nhằm cân đối, đẩy thêm vốn giá rẻ ra thị trường dịp cuối năm. Đơn cử như BIDV giảm lãi suất tiền gửi không kỳ hạn từ 0,3%/năm xuống 0,2%. Kỳ hạn 36 tháng hạ từ 7% xuống 6,8%; Agribank cũng giảm lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn và tiền gửi thanh toán từ 0,5% xuống 0,3%. Từ cuối tháng 11, VietCapital Bank đã áp mức lãi suất huy động mới với mức giảm 0,05% đối với kỳ hạn 1 - 5 tháng và 0,1% với kỳ hạn 13, 18 tháng; Sacombank cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động với các kỳ hạn ngắn (2 và 3 tháng cùng giảm 0,1% xuống tương ứng 4,9% và 5,2%).
Theo lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các NHTM là giải pháp tích cực, đã được cụ thể hóa trong Chỉ thị số 04 của Thống đốc NHNN về tiết giảm chi phí nhằm cắt giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.
Trước đó, NHNN đã chủ động điều tiết thanh khoản của hệ thống dư thừa, lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức thấp, qua đó tạo điều kiện ổn định lãi suất huy động, giảm sức ép lên lãi suất cho vay. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng cân đối vốn để duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Hiện tại, nhiều NHTM đã đưa ra các gói tín dụng dành cho từng đối tượng khách hàng với những ưu đãi vượt trội về lãi suất và dịch vụ. Đơn cử như Chương trình “Hợp tác vươn xa” của VietinBank, dành riêng cho doanh nghiệp siêu vi mô, từ nay đến ngày 15/1/2017.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng OCB:
Nhu cầu tín dụng cuối năm sẽ không tăng đột biến, nên thanh khoản vẫn dư dả. Hiện khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành vẫn ở mức hơn 78 nghìn tỷ đồng. Việc giảm lãi suất cho vay sẽ tùy theo chiến lược mỗi ngân hàng, lãi suất cho vay trung, dài hạn khó giảm, nhưng cho vay ngắn hạn vẫn có thể giảm.
Ngoài ra, SHB còn có gói tín dụng trị giá 250 tỷ đồng lãi suất 6,5% dành cho các nhà phân phối sản phẩm Vinamilk có nhu cầu vay vốn để kinh doanh. Đại diện SHB cho biết, các doanh nghiệp có thể vay không tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm đa dạng với tỷ lệ tối đa đến 85% giá trị tài sản.