E ngại độc quyền khi hạn chế cung cấp thông tin tín dụng

Theo VnEconomy

“Việc hạn chế cho các công ty cung cấp thông tin tín dụng ra đời có nguy cơ tạo ra sự độc quyền”.

Đó là ý kiến nhiều đại biểu tại hội thảo “Nghị định về hoạt động về thông tin tín dụng” do Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới và Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) trực thuộc Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại Tp.HCM vào ngày 13/4 vừa qua.

Theo, ông Phạm Công Uẩn, Giám đốc CIC, đối với nước có nền kinh tế phát triển như Việt Nam, thị trường tín dụng là một thị trường có nhiều tiềm năng phát triển.

Cùng với sự hỗ trợ của IFC, việc ban hành Nghị định về hoạt động thông tin tín dụng đã đánh dấu mốc quan trọng cho sự hình thành khung pháp lý về hoạt động thông tin tín dụng ở Việt Nam và sự quản lý thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nhiều thuận lợi hơn cho doanh nghiệp

Nghị định này hy vọng sẽ giải quyết mọi vấn đề từ việc thành lập và cấp phép hoạt động cho trung tâm thông tin tín dụng đến việc giám sát các hoạt động liên quan, chia sẻ thông tin tín dụng.

Cụ thể, Nghị định số 10/2010/NĐ-CP về hoạt động thông tin tín dụng vừa được ban hành cách đây 2 tháng (12/2/2010) chính thức có hiệu lực từ ngày 15/4/2010. Nghị định này quy định rằng lịch sử tín dụng của khách hàng vay sẽ được lưu giữ tại trung tâm thông tin tín dụng tư nhân, giúp cho bên cho vay có thể đưa ra quyết định cho vay nhanh chóng hơn và giảm thiểu rủi ro cho các khoản tín dụng.

Nghị định này được soạn thảo với sự tư vấn của IFC xem ra có phần mang lại lợi ích cho cả bên cho vay và cả cho người vay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tiếp cận nguồn tín dụng sẵn có với lãi suất thấp hơn.

Theo ông Colin Raymond, chuyên gia về trung tâm thông tin tín dụng, Chương trình và trung tâm thông tin tín dụng tư nhân toàn cầu của IFC thì Nghị định này đảm bảo quyền của người tiêu dùng được bảo vệ đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho thị trường tín dụng lẫn ngành thông tin tín dụng.

Đồng tình với ý kiến này, ông Ashok Sud, Giám đốc điều hành Ngân hàng Standard Chartered, cũng cho rằng sự ra đời của nghị định này rất có ích cho cả ngân hàng lẫn khách hàng, vì những khách hàng có rủi ro thấp sẽ có mức lãi suất tốt và vay được nhiều.

E ngại độc quyền

Tuy nhiên, tại hội thảo, nhiều ý kiến lo ngại về tính thực thi, hiệu quả, cũng như sự công bằng để các công ty cung cấp thông tin tín dụng này ra đời.

Vướng mắc mà các doanh nghiệp quan tâm ở đây là cho đến thời điểm này chỉ có 2 đơn vị được cấp phép cung cấp thông tin tín dụng vì vướng quy định. Cụ thể, Nghị định 10/2010/NĐ-CP quy định một tổ chức thông tin tín dụng phải có tối thiểu 20 ngân hàng thương mại cam kết cung cấp thông tin tín dụng và ngân hàng này cũng cam kết không cung cấp thông tin tín dụng cho công ty thông tin tín dụng khác.

Như vậy, thực tế chỉ có 2,5 đơn vị cung cấp thông tin tín dụng được cấp phép hoạt động, bởi hiện tại Việt Nam chỉ có 51 ngân hàng thương mại.

Giải thích vấn đề này, ông Đỗ Hoàng Phong, Phó giám đốc CIC cho rằng, quy định này nhằm mục đích là hạn chế số lượng công ty thông tin tín dụng ra đời tại Việt Nam. Tránh sự đi vào lối mòn của các nước sẽ quản lý không tập trung, không thống nhất và phân tán cũng như rối loạn thông tin tín dụng vốn nhạy cảm sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Tuy nhiên, Nghị định lại cho phép công ty cung cấp thông tin tín dụng có thể trao đổi thông tin với nhau. Điều này khiến nhiều đơn vị lo ngại về sự cạnh tranh giữa 2 công ty với nhau. Ngoài ra, tại hội thảo nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần có nhiều quy định chặt chẽ hơn về cách thức thực hiện, những cam kết của khách hàng khi cung cấp thông tin cho tổ chức tín dụng...

Điều quan trọng nhất mà ông Colin Raymond lưu ý đó là giữa ngân hàng và công ty thông tin tín dụng sắp thành lập phải làm việc trước với nhau, để đi đến mục đích cuối cùng là công ty được ra đời trên cơ sở vừa công vừa tư.

Ông cũng đưa ra kinh nghiệm tại Ecuado, những thông tin được ngân hàng nhà nước trung ương lưu trữ và sẽ bán cho các công ty thông tin tín dụng khác, đồng thời có chương trình chuyển đổi thành một dạng khác để cung cấp ra ngoài. Chính vì vậy mà vấn đề kỹ thuật của các công ty cung cấp thông tin tín dụng là rất quan trọng.

Hiện tại, Việt Nam có rất nhiều tổ chức tín dụng cần thông tin này, chính vì vậy mà việc cho phép thành lập công ty thông tin tín dụng là một mảnh đất màu mỡ nhưng lại rất hẹp cửa vì quy định số lượng công ty thành lập chỉ có hai công ty có lẽ đã trở thành cửa hẹp, và e ngại về sự độc quyền.