ECB có lý do để sớm cắt giảm lãi suất


Nền kinh tế châu Âu đang trong tình trạng suy yếu đến mức nguy hiểm, khiến các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu phải tính đến công cụ lãi suất của mình.

ECB phải tính toán cẩn trọng trước khi tiến tới giảm lãi suất vào năm 2024
ECB phải tính toán cẩn trọng trước khi tiến tới giảm lãi suất vào năm 2024

Chứng khoán và trái phiếu châu Âu đã phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong những năm gần đây, đặc biệt là chiến tranh, khủng hoảng năng lượng và lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại mọi thứ dường như đang được cải thiện. Chẳng hạn, Chỉ số chứng khoán DAX của Đức đã tăng thêm 11% kể từ đầu tháng 11. 

Theo các chuyên gia, tâm trạng đó một phần phản ánh lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến ở khắp các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, một số ý kiến khác chỉ ra thực tế nghiệt ngã hơn: các nền kinh tế yếu đến mức chắc chắn ECB sẽ phải cắt giảm lãi suất trong tương lai không xa.

Vào tháng 11, lạm phát khu vực eurozone chỉ ở mức 2,4%, gần với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu. Các chuyên gia đang dự báo sẽ có hai lần cắt giảm lãi suất của ECB vào tháng 6 năm tới và ba lần cắt giảm khác vào tháng 10/2024. Nếu kịch bản đó xảy ra sẽ đưa lãi suất chính xuống 2,75%, từ 4%. Tuy nhiên, các nhà kinh tế khác thận trọng hơn, dự báo ECB chỉ có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên mãi tới tận tháng 6/2024. 

Việc không đưa ra tín hiệu cắt giảm lãi suất khiến giới kinh tế châu Âu lo ngại rằng trong khi nền kinh tế châu Âu đang suy yếu nhanh chóng, các quan chức ECB có nguy cơ phản ứng chậm chạp.

Sự lo ngại về việc duy trì lãi suất cao dựa trên hai lý do. Đầu tiên là tăng trưởng tiền lương trong khu vực đồng tiền chung. Bên cạnh đó, lạm phát ở khu vực đồng euro được thúc đẩy bởi giá năng lượng tăng cao và chuỗi cung ứng trì trệ, đẩy giá hàng hóa lên cao. 

Tăng trưởng tiền lương chung ở các nước khu vực đồng euro là khoảng 5%. Mức lương của Hà Lan đã tăng gần 7% trong tháng 10 và tháng 11, so với một năm trước đó. Nếu mức tăng lương như vậy tiếp tục, lạm phát có thể tăng cao vào năm 2024 - nỗi lo sợ lớn nhất của ECB.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng lượng ở eurozone bắt đầu chậm lại. Thật vậy, dữ liệu từ nền tảng tuyển dụng và theo dõi tiền lương cho thấy rằng mức tăng lương trên danh sách đã giảm xuống, đồng thời là tín hiệu cho thấy tiền lương sẽ sớm giảm theo.

Lý do thứ hai là sức khỏe của nền kinh tế nói chung. EU đã phải vật lộn với nhu cầu quốc tế yếu, bao gồm cả từ Trung Quốc và giá năng lượng cao. Hiện nay, các cuộc khảo sát cho thấy cả sản xuất và dịch vụ đều đang trong thời kỳ suy thoái nhẹ. Sự bùng nổ tiêu dùng ở nhiều nơi ở châu Âu đã giảm dần. Chính sách tiền tệ “diều hâu” khiến những khoản mua sắm lớn hơn dựa trên vay tín dụng giảm dần, trong khi những người có thế chấp đang thu hẹp chi tiêu để đáp ứng các khoản thanh toán hàng tháng lớn hơn.

Lãi suất thị trường giảm sẽ làm giảm bớt các điều kiện tài chính ngặt nghèo cho cả người tiêu dùng và nhà đầu tư. Do đó, các quan chức ECB có thể sẽ phải tính đến việc này nếu không muốn phải cắt giảm mạnh lãi suất vào năm sau.

Còn một lý do nữa khiến các nhà hoạch định chính sách ECB có thể xem xét cắt giảm dần lãi suất. Những thay đổi về lãi suất ảnh hưởng đến nền kinh tế một cách chậm trễ khi cần thời gian thẩm thấu, thường là một năm. Do đó, việc cắt giảm lãi suất trong vài tháng tới sẽ không ảnh hưởng đến nền kinh tế cho đến cuối năm 2024 - thời điểm nhiều chuyên gia cho rằng lạm phát sẽ không còn là vấn đề lớn, mà thay vào đó là sự trì trệ của nền kinh tế. 

Như vậy, các nhà hoạch định chính sách của ECB có lý do để hạ lãi suất dần dần tới mức “trung lập” của khối (trong khoảng từ 1,5 đến 2%), đồng thời tránh phải cắt giảm quá mạnh vào mùa hè năm 2024, theo chuyên gia Davide Oneglia của công ty nghiên cứu Lombard.

Theo Cẩm Anh/Diendandoanhnghiep.vn