EU mạnh tay với tập đoàn đa quốc gia

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Theo cáo buộc ban đầu từ Ủy ban châu Âu (EC), Luxembourg đã giúp Amazon kê khai doanh thu thấp để tránh phải nộp thuế cao và điều này hoàn toàn phạm pháp, gây bất bình đẳng cho nhiều công ty khác.

Trụ sở Amazon tại Luxembourg. Nguồn: internet
Trụ sở Amazon tại Luxembourg. Nguồn: internet

Dư luận vẫn chưa lắng xuống sau vụ Apple đứng trước nguy cơ phải nộp phạt hàng tỷ euro vì “bắt tay” chính quyền Ireland lách thuế trong suốt 20 năm qua tại châu Âu. Mới đây nối gót “người đồng hương”, Amazon và nhiều tập đoàn đa quốc gia khác cũng vấp phải tình trạng tương tự vì bị nghi ngờ “đi đêm” với Luxembourg, nơi đang trở thành thiên đường thuế.

Theo cáo buộc ban đầu từ Ủy ban châu Âu (EC), Luxembourg đã giúp Amazon kê khai doanh thu thấp để tránh phải nộp thuế cao và điều này hoàn toàn phạm pháp, gây bất bình đẳng cho nhiều công ty khác.

340 công ty lận thuế

Cũng giống như nhiều công ty đa quốc gia khác, Amazon châu Âu có trụ sở tại Luxembourg - một quốc gia nhỏ bé với dân số khoảng 500.000 - để tận dụng lợi thế của các mức thuế thấp tại đất nước này. Các chi nhánh ở châu Âu có tổng doanh thu gần 20 tỷ USD vào năm 2013, hay nói cách khác là gần 2/3 doanh thu quốc tế của Amazon. Sử dụng cấu trúc thuế phức tạp đã giúp DN này giảm tỷ lệ thuế năm 2013 thành 31,8%, thay vì 35%.

Cuối năm 2013, Amazon đã báo cáo tăng 14% doanh thu tại châu Âu, đến 157 tỷ USD; lợi nhuận trước thuế là 33 tỷ USD; sau đó hạch toán trả hơn 2 tỷ USD tiền bản quyền từ các công ty con của Amazon khi sử dụng tài sản trí tuệ của công ty mẹ. Amazon bị nghi ngờ sử dụng các công ty con tại Luxembourg để giảm nghĩa vụ thuế chung của công ty.

Văn phòng luật chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) phát hiện bằng chứng một thỏa thuận thuế giữa Amazon và chính quyền Luxembourg, cho phép các công ty này không trả tiền thuế trong nhiều thập kỷ…

Theo điều tra từ EC, chính sách thuế 2003 của Luxembourg cho phép Amazon châu Âu trả tiền bản quyền cho công ty mẹ để giảm thuế thu nhập và điều này có thể không phù hợp với các điều khoản trong bối cảnh chung của nền kinh tế.

EC được thành lập để giữ cho thị trường cạnh tranh được diễn ra công bằng và nghiêm cấm mọi quốc gia thuộc liên minh có hành động giúp đỡ các công ty. Việc Luxembourg “thỏa thuận ngầm” với Amazon sẽ giúp công ty này nộp thuế ít hơn các công ty khác…

Các viên chức Luxembourg phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ thỏa thuận ưu ái nào trong hệ thống pháp luật. “Hệ thống thuế của Luxembourg rất cạnh tranh, không có gì là không minh bạch hay trái nguyên tắc ở đây cả”, Hiệp hội Quốc tế các Phóng viên điều tra (ICIJ) dẫn lời Nocolas Mackel, Giám đốc điều hành cơ quan tài chính của Luxembourg trong một cuộc phỏng vấn.

“Văn bản kiến nghị của EC chắc chắn rằng, bản thỏa thuận thuế có sai phạm”, Catherine Robins, một đối tác thuế tại Công ty luật Pinsent Masons ở Anh cho biết. “Bất cứ người nào khác, không có thỏa thuận tương tự ở Luxembourg, nhìn vào sẽ thấy không công bằng cho các công ty nhỏ hơn”.

Amazon không phải trường hợp duy nhất. Có 340 công ty đa quốc gia bị phát hiện đã giấu kín các giao dịch tại Luxembourg để trốn hàng tỷ USD tiền thuế. Trong trường hợp PepsiCo, tài liệu cho thấy công ty con là Pepsi Bottling Group Inc dùng một chi nhánh ở Luxembourg để sắp xếp một loạt các khoản vay giữa các công ty của PepsiCo để giảm thuế trên tiền mua 1,4 tỷ USD cổ phần của JSC Lebedyansky, công ty nước ép lớn nhất ở Nga.

Ít nhất 750 triệu USD trong thương vụ này đi qua một chi nhánh tên Tanglewood đặt tại Luxembourg, trước khi đến chi nhánh của Pepsi tại Bermuda. Luxembourg đóng vai trò trung gian để giảm thuế trên phần lợi nhuận chuyển từ Nga sang Bermuda.

ICIJ cho biết, các công ty này có dấu hiệu chuyển hàng trăm tỷ USD qua Luxembourg và “tiết kiệm” hàng tỷ USD tiền thuế. Những công ty lớn có thể “chuyển giá” bằng cách đưa lợi nhuận từ nơi thuế cao sang các quốc gia đánh thuế thấp như Luxembourg, quốc gia họ có trụ sở hoặc có nhiều hoạt động thương mại. Một số tài liệu bị lộ cho thấy, trong vài trường hợp các công ty được hưởng thuế dưới 1% lợi nhuận, theo ICIJ.

Cuộc điều tra này là một phần của một cuộc điều tra rộng hơn vào một chuỗi các công ty đa quốc gia, bao gồm cả Apple và Starbucks, bị nghi ngờ đang gian lận hóa đơn thuế và phá vỡ các quy tắc cạnh tranh của EU.

Giải pháp chống lận thuế

Cuộc điều tra gian lận thuế của Amazon tập trung vào bản thỏa thuận giới hạn số tiền thuế, thông qua cái gọi là giá bản quyền. Cơ quan thuế của Luxembourg chỉ mất 11 ngày để phê duyệt cơ cấu thuế cho Amazon trong nước, Ủy ban thuế châu Âu lưu ý.

Dưới sự sắp xếp đó, hầu hết doanh thu của công ty châu Âu đã được gửi từ một đơn vị ở Luxembourg cho một chi nhánh riêng biệt mà không thuộc đối tượng nộp thuế DN trong nước. Điều đó làm giảm lợi nhuận mà công ty tạo ra từ hoạt động của nó và cắt giảm thuế tại các nước khác, Ủy ban nói trên cho biết.

Như tại Anh, Google và Amazon cũng liên tục bị báo chí cùng chính trị gia nước này chỉ trích và điều tra về cơ cấu thuế. Doanh thu của tập đoàn đã lòng vòng qua nhiều nước trước khi tới Anh, với mục đích giảm tối đa số thuế phải nộp.

Việc các quốc gia cố gắng thu hút DN đến đầu tư với mức thuế suất thấp không phải là bất hợp pháp tại EU. Nhưng cung cấp ưu đãi đặc biệt cho các công ty mà không có đối thủ cạnh tranh như vậy là sai trái. Pháp là một trong những quốc gia quyết liệt nhất trong việc giải quyết tình trạng trên. Cơ quan thuế nước này đã kiểm tra văn phòng tại Paris của một loạt công ty như Google, Microsoft và LinkedIn.

Năm 2011, Pháp đã buộc Google phải nộp thêm khoảng 1,7 tỷ euro tiền thuế. Google vào tháng 2 năm nay dàn xếp ổn thỏa vụ việc, đổi lại đầu tư khoảng 60 triệu euro để hỗ trợ Pháp phát triển công nghệ kỹ thuật số. Từ đầu 2013, Pháp đã đề xuất những giải pháp quyết liệt hơn trong quy ước thuế quốc tế hiện hành để ngăn chặn việc trốn thuế của các công ty Internet.

Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã chuẩn bị sẵn chương trình hành động nhằm cải tổ hệ thống thuế để đệ trình trong cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính G20. Tuy nhiên, hai thành viên của OECD là Mỹ và Pháp vẫn mâu thuẫn về mức độ quyết liệt của các biện pháp này. Quan chức G20 đang phối hợp cùng với OECD để đánh giá từng phương án cụ thể.

Hiện đề xuất của Pháp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Pierre Moscovici đưa ra đã phần nào chiếm ưu thế. Phía Mỹ cũng đồng tình rằng, quy định hiện nay cần phải được bổ sung và đã đề xuất vài thay đổi. Nhưng, Washington phản đối việc xây dựng những điều khoản mới để điều chỉnh mức thuế đánh vào nền kinh tế kỹ thuật số. Thay vào đó, Mỹ bày tỏ quan điểm thay đổi một số ngôn từ trong luật hiện hành.

Kế hoạch của OECD được coi là một trong những cơ hội tốt nhất để thay đổi nguyên tắc quốc tế về thuế, khi có ngày càng nhiều các công ty đa quốc gia tận dụng kẽ hở của quy định để trốn, gian lận hàng thập kỷ nay.

OECD dự định đưa ra giải pháp cho 15 vấn đề, trong đó khó khăn nhất là quy định công ty đa quốc gia phải nộp thuế tại nước nào theo nguyên tắc “nơi thành lập cố định”. Đây chính là “kẽ hở” đã được Google và Amazon tận dụng trong thời gian qua.

Do cần đạt được đồng thuận, dự kiến OECD sẽ giảm nhẹ một số đề xuất so với ban đầu. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng hành động của các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin là một trong sáu vấn đề nhức nhối nhất cần được giải quyết. Lý do là các công ty này hiện hoàn toàn có thể giao dịch với khách hàng ở một quốc gia khác mà không phải đóng một khoản thuế nào tại nước đó.